Ấn phẩm "Bốn mươi năm nói láo" của tác giả Vũ Bằng, do Cơ sở Phạm Quang Khải xuất bản năm 1969. Sách đang được lưu giữ tại Quán sách mùa thu có tình trạng đóng bìa còn bìa gốc, dày 300 trang, ruột đẹp lõi chắc chắn.
Sách được theo lối Passé carton bọc da tự nhiên, cổ áo khâu thủ công 2 màu bằng chỉ line, nhũ mạ gáy thủ công bằng vàng 24k. Giấy bìa được làm thủ công.
Sách được thực hiện bởi đội ngũ Little Cats Bookbinding.
---------------------------
"40 năm nói láo", cứ cái nhan đề cũng đã nói lên nhiều cho độc giả thấy những chứa đựng bên trong. Làm báo là nói láo. "Nói láo" mà chơi, để độc giả "nghe chơi". Vũ Bằng nói láo, có nghĩa là anh thuật lại theo ký ức đời làm báo của mình - làm báo thôi - vì anh vốn là một nhà văn rất phong phú, một tiểu thuyết gia, một cây bút phỏng sự tả chân đã gây ảnh hưởng không ít cho một lớp độc giả và một lớp người viết văn. Suốt từ thuở mới bắt đầu lớn lên, cho đến bây giờ mái tóc đã bạc phơ, anh văn chưa chịu quẳng bút. Đây là lịch sử một kiếp sống, gần theo với nhiều kiếp sống, và đó cũng là tâm tư của một người, của nhiều người, cùng đeo đuổi một nghề, và thường cùng nuôi một hoài bão như nhau. Vì vậy, độc giả không chỉ nghe Vũ Bằng "nói láo" về nghề làm báo, mà lại được nghe biết bao nhiêu chuyện kỳ thú, vui buồn lẫn lộn với chua cay của những nhân vật như Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Tích Chu. Phùng Tất Đắc. Đào Trinh Nhất, Ngô Tất Tố, TchyA, Vũ Đình Long, Phùng Bảo Thạch, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Thiết Can, Thâm Tâm, Thanh Châu.v.v
"40 năm nói láo", với trên ba trăm trang chữ in, còn có thể là lịch sử một kiếp sống lê thê của người viết báo chuyên nghiệp xứ này.
Với một lối diễn tả giản dị, thân mật, chan chứa tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động, những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm lịch sử, và đi vào lịch sử, hoặc chết đi rồi, hoặc còn sống, hiện có mặt ở đây hay nơi khác. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện, mỗi người hiến cho độc giả một vài mẫu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ. Cho nên tôi có thể nói, đọc "40 năm nói láo" chẳng khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỷ 20. Và nếu như ta thường hiệu: báo chí phản ảnh sinh hoạt xã hội, thì "40 năm nói láo" đã phản ảnh phần nào, ở những khía cạnh nào, qua nhiều giai đoạn, nhiều biến cố của xứ sở chúng ta.
"Nói láo" mà là nói thật, sự thật phũ phàng với bao niềm chua chát, sót xa. "Nói láo", cũng lại là nói chuyện vui vẻ, hào hứng và bổ ích.
- Trích -