Ấn phẩm "Bắc Thành Địa Dư Chí" do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa ấn hành năm 1969. Ấn bản đang được lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có đủ 2 cuốn gồm 3 quyển; đầy đủ bìa gáy; quyển 1 & 2 có 100 trang Việt văn và 150 trang Hán văn; quyển 3 có 56 trang Việt văn và 88 trang Hán văn.
"... Nước Nam ta khai sáng từ đời Hồng Lạc đến nay. Dư đồ ngày một mở mang, non sông ngày một đẹp đẽ, đã nổi tiếng với Trung Hoa, nước ta là một nước văn hiến đã lâu mà về sách về địa dư, thì cũng còn thiếu sót. Sử thì có bản An Nam chí không thấy truyền lại, bản Địa dư đời Hồng Đức (niên hiệu của Lê Thánh Tông) thì nhiều chỗ nhầm lẫn. Còn bản Bắc thành chí lược này mới vào khoảng năm Minh Mạng triều Nguyễn, do Tổng trấn Lê Công Chất hồi kiến tiết ở Thăng Long, có họp các danh nho mà làm ra bản sách này. Có chép những thành trì thay đổi, những cương vực lớn nhỏ xa gần, những số mục hương thôn, cùng núi sông đền Miếu, và quan chức Lại lệ, đò chợ, sau rốt nói đến cả Thổ sản nghề nghiệp, trên từ Thăng Long đến Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Quảng An, Cao Bằng, tất cả địa dư 12 tỉnh thành, rõ như hàng lông mày, tuy đại thể chế tác chưa được đủ cả, nhưng văn hiến sau này cũng có thể trưng cầu ở sách này được. Lê Công Chất chỉ là một ông tướng võ, mà có chí nghiệp sâu rộng như thế. Đời xưa thường quí việc cho sứ đi xem phong tục các nơi, để chép thành sách, chả là một sự hay lắm ru. Ta là một người học trò thường ân hận sinh vào lúc nước nhà sách ghi chép còn thiếu sót, muốn biết những việc xưa nay thay đổi thế nào, núi sông nhân vật ra sao, muốn xét mà không nhân vào đâu được. Nay được bản chí lược này, mới đem sao lục ra, tựu trung cũng có chỗ sửa chữa, có chỗ phải bổ thêm vào, mong để thành được cái chí của Lê Công về sau này, và cũn thấy được cái điều hay không thể để mất được vậy. Trấn nay đổi làm tỉnh, nhưng sách vẫn chép là trấn, là để còn cái dấu vết xưa để 'tồn cổ' vậy...".