Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng (1907-1987), hiệu Thiên Phong, thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng. Thân phụ là cụ Nguyễn Phúc Ưng Trình, đại thần Cơ Mật viện và đại thần Tôn Nhơn Phủ (1936) và Thượng Thư. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Như Uyển, cũng dòng dõi quan lại cấp Thượng Thư..
Bửu Dưỡng là con trai thứ năm, sinh ngày 19/3/1907 tại Huế. Thiếu thời, ông học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính.
Bửu Dưỡng sang Pháp học thần học và năm 1945 lấy bằng tiến sĩ thần học. Năm 1947, ông hồi hương về Việt Nam và vào tháng 02/1951 thì nhậm chức Bề Trên Tu Viện Đa Minh Hà Nội.
Năm 1970, tại Sài Gòn, Bửu Dưỡng hợp tác với hội Minh Trí thành lập Đại Học Minh Đức với năm phân khoa: Triết lý, Y tế, Kinh tế, Thương mại, Khoa học kỹ thuật, Kỹ thuật canh nông.
Năm 1974, Bửu Dưỡng chịu đại tang cụ thân sinh Ưng Trình tạ thế.
Sau năm 1975, Bửu Dưỡng sống với cộng đoàn học viện Đa Minh ở Thủ Đức. Sức khỏe yếu dần, chân đi lại rất khó khăn nên ông đến nghỉ tại “Gia Đình Na Gia” rồi chuyển đến một ngôi nhà giữa cánh đồng thoáng mát gần Bình Triệu
Ngày 01/05/1987, sau khi tiếp chuyện hơn một giờ với một linh mục để trao đổi về vấn đề Giáo Hội, ông trở về phòng và chết gục trên bàn giấy.
- Các tác phẩm:
- Ngài là ai? Ngài muốn gì? Ngài ở đâu?
- Quan niệm triết học (triết học nhập môn)
- Quan niệm người đời (siêu hình, tâm lý, luân lý)
- Quan niệm đời người (đạo đức, xã hội, chính trị)
- Vấn đề đau khổ (đối chiếu các tư tưởng tôn giáo, triết học, văn nghệ và khoa học).
- Tứ Thư Giải Luận (phiên âm, dịch nghĩa, giải thích và bình luận Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử).
- Tùng Thiện Vương (tiểu sử và thi văn): viết chung với thân phụ là cụ Ưng Trình.
- Sưu tập, giải thích ca dao, tục ngữ Việt Nam, sắp theo thứ tự A,B,C.