Ấn phẩm "Cho trận gió kinh thiên" của tác giả Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, bìa sách do họa sĩ Nguyễn Đồng trình bày, được nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành năm 1973. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng còn bìa, gáy bị hư, sách đầy đủ trang, dày 354 trang, lõi sách chắc chắn.
Lấy chất liệu từ đời sống của bà con nông dân, cụ thể Vĩnh Long, nơi tác giả sinh ra, tác giả dựng lại với những câu chuyện tình yêu, tình đời trong sự đổi thay của thời cuộc. Ở đây, không chỉ là những biến động dữ dội bên ngoài xã hội mà còn là sự giằng xé, hỗn tạp, đa chiều từ nội tâm của nhiều mẫu nhân vật. Ngôn ngữ của Thuỵ Vũ giản dị, giàu sức gợi hình, tạo cho người đọc cảm giác gần gũi như chính câu chuyện của mình. Ở "Cho trận gió kinh thiên", người đọc sẽ có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình qua nhân vật Nguyệt, bơ vơ, một mình rời xa quê nhà đến với phố thị mong có cơ hội thay đổi vận mệnh mình:
"Nguyệt cười tủm tỉm. Đây là xóm lao động gồm đủ hạng người đến đâu lập nghiệp. Nhà cửa san sát nhau, chật chội và mỏng manh như cái hộp quẹt. Nguyệt từ Lục tỉnh đến Sài gòn hơn một tháng nay. Tháng trước, nàng tá túc với Đồng trên một căn gác trọ hẹp ở miệt chợ Quán. Từ giữa trưa cho đến năm giờ chiều, căn gác nóng như cái lò bánh mì. Cuộc sống ở đó thật ngột ngạt vì Nguyệt còn phải chúng đụng với nhiều người khác nữa. Hình như mọi cử chỉ hành động của nàng đều bị dòm ngó, soi mói ngấm ngầm. Phải rời nơi đó càng sớm càng tốt. Phải giấu tông tích của mình trước lũ bạn đồng hương đó, lũ bạn đã biết quá rõ về gia thế và quá khứ của nàng. Nguyệt đã tâm niệm điều đó khi bước xuống bắc Mỹ Thuận để qua sông, đi tìm một thành phố khác mong thay đổi không khí và đời sống đầy dẫy buồn phiền ở tỉnh lỵ. Nàng phải xa lánh nơi chôn nhau cắt rún như một vòng tay sắt siết chặt nàng từ thời thơ ấu, hoạ may mới có cơ hội ngoi đầu chường mặt với đời.