CÔ GÁI XÀ NIÊNG

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: CGXNVH
Tác giả: Vũ Hạnh
GIÁ BÁN: 400.000₫

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Cô gái xà niêng" của tác giả Vũ Hạnh, sách do nhà xuất bản Anh Vũ ấn hành năm 1974. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, ruột sách rất đẹp, sách dày 180 trang, lõi sách chắc chắn.

Thuở nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe nhiều người nói về "con quỷ Xà Niêng" với đầu tóc rối, ẩn hiện giữa chốn rừng sâu. Những chuyện huyễn hoặc như thế là mối ám ảnh đối với đầu óc trẻ thơ, có thể sống khá lâu dài theo với tháng năm. Lớn lên, qua các sách vở, tôi hiểu Xà Niêng là một giống người thiểu số ở các vùng cao, trải qua nhiều đời không có điều kiện tiếp cận với các cuộc sống phát triển nên đã suy thoái, dần dần rơi xuống tình trạng nửa vật, nửa người. Chúng ta từng nghe nói về người Nục, hoặc người Đồi Mồi, hay là người Khả Lá Vàng, cũng đang chìm dần vào tình trạng ấy ở trong sâu thẳm Trường Sơn.

Vào năm 1969, ở tại nhà lao Tân Hiệp, hai anh bạn tù dân tộc Ra-đê là Y Bang Niê và Y Đuan Niê kể cho tôi nghe một chuyện Xà Niêng mà theo các anh, đó là sự thực: trước đây, có một người Pháp, làm việc ở Pleiku, trong một chuyến săn đi sâu vào trong rừng già, bắt được một con Xà Niêng. Ông đã tìm đủ mọi cách thuần hóa con "vật-người" ấy, rồi lấy làm vợ, nhưng cô Xà Niêng đã sớm lìa đời.

Câu chuyện có thể gợi cho chúng ta nhiều mối suy nghĩ khác nhau, tùy theo chủ đề tư tưởng mà mình ưa thích. Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đầy những tình tiết bất ngờ qua sự săn đuổi giữa lòng rừng thẳm, đòi hỏi biết bao gan dạ, thông minh. Một câu chuyện tình trái ngang giữa hai thực thể so le, không có cảm thông, không thể đối thoại, cuối cùng dẫn đến tan vở, bi kịch. Một sự hy sinh ở trong lĩnh vực khoa học qua sự phối hợp quái đản của các đối tượng khác biệt giống loài. Va còn gì nữa?

Nằm trong bốn vách tường giam, suy tưởng lớn nhất thường xuyên đến với người tù là nỗ lực giữ mình tồn tại trong sự đủ đầy nhân cách, để khỏi làm giảm mất đi quân số của một đội ngũ sẵn sàng cho mọi tiến công. Chế độ nhà tù đế quốc có mỗi cố gắng là kéo con người lùi lại, trở về cuộc sống bản năng: làm cho tù nhân thấm thía về sự thèm thuồng miếng ăn, khát khao sinh lý, khiếp sợ cái chết, ngờ vực đồng bào, đồng chí của mình. Nhà tù, theo phương thức ấy, là một khung cảnh bắt bí để mong đánh bại con người, bảo tồn con thú, chứ không thể nào là chỗ khai thông cho các bế tắc, vun quén cho một hồi sinh, tạo lập cái đà thuận lợi để giúp con người lấy trớn hòa nhập kịp vào cuốc sống đang lên. Người tù bị buộc mua vé vào cửa bằng một giá đắt, là tự do của cuộc sống, là năm tháng của cuộc đời, và có thể, là sinh mạng. Đế quốc cũng như tay sai bao giờ cũng muốn bán vé ra cửa bằng một cái giá đắt hơn, là sự chối từ nhân phẩm, về phía người tù. Nhưng con người không phải loài sinh vật một chiều nên không dễ dàng chịu sự khuất phục, con người luôn biết quẫy cựa bang tư thế đa dạng của mình, đã biết phản kháng, biết tự chế ngự hoặc tự vượt qua, và sau những cuộc đấu tranh quyết liệt để giành chiến thắng, con người có thể ngạc nhiên đối diện với mình, vì không ngờ mình có thể lớn lao như thế.

0972 873 962