Ấn phẩm “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt” do Lê Đình Chân chắp bút được in xong tại nhà in Nguyễn Văn Của, nhà xuất bản Phổ Thông ấn hành năm 1958. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng tốt, sách nguyên bìa gáy, đủ bìa trước bìa sau, gáy hơi sờn. Ruột sách dày 106 trang, ruột bên trong đẹp và đầy đủ trang. Đây là ấn bản đặc biệt, giấy trắng, có thủ bút và tác giả Lê Đình Chân.
Lê Văn Duyệt là một danh nhân lịch sử của nước ta, ông có ảnh hưởng rất lớn ở miền Nam bây giờ. Không những là một vị tướng giỏi, nhiều phen xông pha trận mạc trong cuộc binh biến giữa chúa Nguyễn Phúc Ánh và nhà Tây Sơn mà ngài còn là một người tổ chức chính trị, hành chính cho đất Nam sau khi mà dân chúng đã điêu linh trong hơn hai chục năm binh hoả. Đem lại an ninh, cơm ăn, áo mặc cho dân chúng trên khắp đồng bằng sông Cửu Long, đó là sự nghiệp xây dựng Gia Định của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Ông cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm bang giao với các nước Cao Miên và Xiêm, để giữ gìn bờ cõi tiên tổ để lại. Giải quyết những vấn đề đó, khi cương khi nhu cũng lại nhờ tài ngoại giao của Tổng trấn, danh tiếng của ông đã vang xa, chẳng những ở đất ta mà còn ở Xiêm, ở Chân Lạp. Có lần, bằng tài thao lược của mình, ông đã nghĩ đến tới sự phòng thủ toàn cõi nước ta bằng cách bảo vệ Chân Lạp. Bảo vệ bằng sự giúp đỡ vua nước đó là Nặc Chân, giúp đỡ về ngoại giao chống với Xiêm, về tiền bạc và cả gạo nữa...Vua Xiêm sợ phải lùi, không dám đưa quân mưu đồ với Chân Lạp, cõi ta cũng nhờ vậy mà được yên. Lê Tổng trấn đã chứng tỏ cho ta biết rằng ông không những đã là một nhà cai trị giỏi mà còn là một nhà quân sự và ngoại giao nhìn xa, nghĩ rộng để bảo vệ toàn cõi Gia Định.