ĐOÀN THỊ ĐIỂM

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

Đoàn Thị Điểm (1705-1749), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Bà được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh.

Đoàn Thị Điểm là người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Theo gia phả họ Đoàn là Đoàn thị thực lục, thì tổ tiên của bà vốn họ Lê, đến đời cha bà là Đoàn Doãn Nghi (1678-1729), mới đổi ra họ Đoàn. Ông Doãn Nghi thi đỗ Hương cống (Cử nhân) thời Lê trung hưng, sau thi Hội không đỗ, có nhận chức quan Điển bạ, hàm bát phẩm nhưng không lâu sau thì từ quan, về nhà dạy học và bốc thuốc. Tại Thăng Long, ông Nghi cưới vợ (là con gái của Thái lĩnh bá họ Vũ định cư ở phường Hà Khẩu, kinh thành Thăng Long, không rõ tên, bà về làm kế thất ông Đoàn Doãn Nghi), sinh được hai con: con cả là Đoàn Doãn Luân (1700 - 1735) và con thứ là Đoàn Thị Điểm.

Lúc trẻ, bà Điểm có tiếng thông minh, đẹp người, đẹp nết, chăm học, có tài văn và giỏi cả việc nữ công. Cho nên năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi để sau dâng lên chúa Trịnh, nhưng bà không chịu.

Suốt thời gian từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành, bà thường sống với cha và anh ở nơi cha dạy học là làng Lạc Viên (huyện An Dương, tỉnh Kiến An; nay thuộc thành phố Hải Phòng).

Năm bà 25 tuổi (1729), cha mất, bà cùng với gia đình của anh dời đến ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Chẳng bao lâu sau anh mất (năm 1735), bỏ lại một đàn con nhỏ, một mình Đoàn Thị Điểm phải vừa làm thuốc, vừa dạy học để có tiền nuôi mẹ và giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu.

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, khi ấy ở Sài Trang thuộc huyện Đường Hào có một người con gái được tiến cung, và bà đã được vời vào cung làm Giáo thụ để dạy các con vua chúa. Đến năm 1739, nhân trong nước có loạn, bà xin từ chức về ngụ ở xã Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, ngoại thành Hà Nội) tiếp tục làm nghề dạy học.

Bấy giờ, có nhiều người đến hỏi, trong đó có cả những người quyền quý, nhưng bà đều từ chối. Mãi đến năm 37 tuổi (1742), bà mới nhận lời lấy Nguyễn Kiều, một Tiến sĩ nổi tiếng hay chữ đã góa vợ. Nhưng vừa cưới xong, Nguyễn Kiều lại phải đi sứ sang Trung Quốc ba năm. Theo Từ điển văn học (bộ mới), có lẽ trong thời gian xa chồng này bà đã dịch ra quốc âm tập thơ Chinh phụ ngâm từ bản chữ Hán của danh sĩ Đặng Trần Côn.

Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước. Năm 1748, ông được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Đoàn Thị Điểm cùng đi với chồng, nhưng trên đường đi, bà bị cảm nặng, chạy chữa không khỏi, cuối cùng mất ở Nghệ An vào ngày 11 tháng 9 (âm lịch) năm đó (Mậu Thìn, 1748), lúc 43 tuổi.

 

  • Các tác phẩm:
  • Truyền kỳ tân phả (khắc in lần đầu năm Tân Mùi, 1811)
  • Nữ trung tùng phận
  • Chinh phụ ngâm khúc diễn âm
  • Hồng Hà phu nhân di văn
  • Bộ bộ thiềm - Thu từ
0972 873 962