ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: DPTTAPGpre75
Nhà xuất bản: Long Hoa
Năm xuất bản: 1953
Số trang: 250

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Đức phật thầy Tây An" do hai tác giả Vương Kim và Đào Hưng biên soạn sách do nhà xuất bản Long Hoa ấn hành lần thứ nhất năm 1953. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách đóng bìa xưa còn bìa gốc, ruột đẹp, sách dày 250 trang, lõi sách chắc chắn.

Trong sách Thiền uyển kế đăng lục có chép lịch-sử các vị tổ Việt-Nam cho đến triều vua Tự-Đức, chỉ thấy gọi danh-hiệu là thiền-sư hay hòa-thượng chớ chưa thấy xưng tụng một vị nào là Phật cả.

Thế mà trong vòng một trăm năm mươi năm trở lại đây, ở miền Nam nước Việt có một vị siêu-phàm ra đời, hoằng pháp lợi sanh, gây nên một phong-trào đạo-hạnh chưa từng thấy. Vị siêu phàm ấy được thế nhân xưng tụng là Đức Phật-Thầy.

Phải chăng sách Thiền uyển kế đăng lục chỉ kể những vị cao tăng từ triều Tự-Đức trở về trước và từ vùng Bình-Thuận trở lên, cho nên chưa đề-cập đến các bực tu-hành từ triều Tự-Đức trở về sau và từ Bình-Thuận trở xuống miền Nam đó chăng?

Nếu thế, thì đây là một tài-liệu về Đức Phật-Thầy Tây-An mà chúng tôi xin cung-hiến để góp một phần nào vào lịch-sử Phật-giáo Việt-Nam.

Sở-dĩ vị siêu-phàm ấy được xưng tụng là Phật-Thầy, là bởi Ngài đã đạt được quả vị đẳng-giác, thấu rõ cơ-huyền, vưng lịnh Phật-Tổ xuống độ dân cứu thế, mà ngay trong sám giảng của Ngài, người ta được thấy lắm lời phát-lộ.

Như trong sám giảng của Đức Phật-Trùm, một chuyển kiếp của Ngài có nói:

Tuy là phần xác của Mên,

Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.

Hay trong Sám-giảng của ông Sư-Vải Bán-Khoai, cũng một chuyển-kiếp của Ngài, có nói:

Ta nay phần cốt ở trần,

Phần hồn Phật khiến xa gần phải đi.

Hay trong Sám-giảng của Đức-Huỳnh Giáo-chủ, cũng một chuyển-kiếp của Ngài có nói:

Ta thừa vưng sắc lịnh Thế-Tôn,

Khắp hạ-giái truyền khai đạo pháp.

Với sự hoằng-hóa của Ngài, trên thì nói Phật-pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, dưới dùng phép huệ-linh độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh, mà Ngài đã gây nên một tôn phái: phái Phật-Thầy Tây-An cũng gọi là phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương, có mười hai vị đại đệ-tử liểu ngộ và có phép thần-thông với hàng vạn tín đồ qui-ngưỡng, kể ra không kém hai phái Lâm-Tế và Tào-Động như hiện nay còn thấy lưu-truyền ở Trung Bắc.

Đã gây nên một phong-trào đạo-hạnh dường ấy, đã nên danh một tôn phái như thế, nhưng nếu có ai hỏi phong-trào đạo-hạnh ấy thế nào và phái Phật-Thầy Tây-An ra làm sao thì cơ-hồ không biết phải dựa vào đâu để kêu-cứu cho đúng.

Có người giới-thiệu cho bộ Giảng Tòng-Sơn như đã thấy cốt truyện đăng trên mặt báo một độ nọ, nhưng đến khi khảo-sát lại thì những tài-liệu trong bộ giảng ấy không đúng sự thật.

Ngoài bộ Giảng Tòng-Sơn, còn nhiều Sám-giảng mà chúng tôi được dịp đọc đến, nhưng tựu-trung cũng không khác bộ Giảng Tòng-Sơn kia, đã mất hẳn tánh-chất thực-tế mà lại còn không phù-hợp nhau giữa tài-liệu của quyển nầy với quyển khác.

Trạng-thái bất-nhứt ấy sở-dĩ có, cùng do nhiều nguyên-do:

1- Noi theo giáo-pháp vô-vi của Phật Thích-Ca, Đức Phật-Thầy không chịu làm việc gì có tánh-cách hữu-vi. Cũng như Phật Thích-Ca, Ngài chỉ thuyết chớ không viết. Ngay như ngôi mộ của Ngài, trước khi tịch Ngài cũng dạy sau nầy để bằng cho người trồng tỉa.

2- Phần nhiều Sám-giảng được lưu-truyền là do môn-đệ của Ngài chép lại sau khi nghe Ngài thuyết hay lấy ý của Ngài mà viết lại. Do đó mà người đời nay thường nhận lầm là của môn-đệ viết, như mười bài thơ liên-hoàn đăng ở phần Phụ-lục mà nhiều người cho là của cậu hai Lãnh tục danh cậu hai Gò-sặc sáng tác, nhưng thật ra, cậu hai Gò-sặc chỉ thừa lịnh chép lại mà thôi.

3- Ở miền Nam nước Việt không có cái lệ làm gia-phả. Bởi thế, nếu cần khảo-cứu một nhơn-vật lịch-sử nào thì con cháu của vị ấy, mỗi người theo ký-ức của mình hay do theo lời truyền-khẩu của tiền-nhơn mà kể lại mỗi người mỗi cách khác nhau.

Đứng trước tình-trạng hỗn-độn ấy, muốn khảo-cứu lịch-sử về Đức Phật-Thầy Tây-An là một việc hết sức khó-khăn.

Muốn cho không xa sự thực, chúng tôi phải làm lại công việc của nhà khảo-cổ hay địa-chất-học, tự đi đến chỗ tìm lại dấu vết xưa, như bi-ký, mộ-bia, sắc chỉ... Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ đi đến những nơi mà Đức Phật-Thầy và môn đệ của Ngài còn để di-tích lại, như chùa Tây-An Cổ-tự ở Long-kiến, chùa Tây-An ở núi Sam, trại ruộng ở Thới-sơn, Bửu-Hương-Các ở Láng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đi đến chùa Bồng-Lai ở Bài-bài của ông Đạo-Lập chùa Bửu-Hương-Tự ở Láng của ông cố Quản Thành và cậu Hai Nhu, chùa Long-Châu-Thới ở Cái-dầu của ông Đạo Xuyến... để tìm di-tích của các ông Đạo, môn đệ của Phật-Thầy, cho được tận tai nghe, tận mắt quan-sát.

Nhưng biết đâu chẳng còn có chỗ sai-siển.

Xưa kia, Phật tịch-diệt không bao lâu đã có người đọc sai bài kệ trong kinh Pháp-cú như vầy:

Nhược nhơn sanh bách tuế,

Bất kiến thủy-lão-hạc.

Bất như sanh nhứt nhựt,

Nhi đắc kiến liễu chi.

Có nghĩa:

Nếu người sống trăm tuổi,

Mà không thấy con thủy-lão-hạc:

Chẳng bằng sống một ngày,

Mà được thấy rõ vậy.

Thật ra thì bài kệ ấy như vầy:

Nhược nhơn sanh bách tuế,

Bất kiến sanh diệt pháp:

Bất như sanh nhứt nhựt,

Nhi đắc kiến liễu chi.

Có nghĩa:

Nếu người sống trăm tuổi,

Chẳng thấy pháp sanh diệt:

Không bằng sống một ngày,

Mà được thấy rõ vậy.

Ông A-Nan khi đi ngang qua nghe tụng sai như vậy thì than rằng: Chánh-pháp của Phật sao mà dứt sớm quá vậy!

Cách Phật tịch-diệt chẳng bao lâu mà còn truyền tụng sai như thế, huống hồ là cách xa Đức Phật-Thầy Tây-An gần một trăm năm mươi năm thì sự sai lạc mới biết bao nhiêu nữa.

Mong rằng các thức-giả nhận thấy chỗ sai-siển mà chỉ-giáo, thì không còn chi quí hóa bằng.

(Trích lời tựa của tác phẩm)

0972 873 962