HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: HTLVHSpre75
Tác giả: Lê Thành Trị
GIÁ BÁN: 1.600.000₫

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Hiện tượng luận về hiện sinh" là một biên khảo triết học của tác giả Lê Thành Trị do Trung Tâm Học Liệu tái bản năm 1974. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng khá đẹp, Sách còn nguyên vẹn (đầy đủ bìa, gáy), ruột sách đẹp, lõi sách chắc chắn và sách đầy đủ trang.

Không có địch thì người lính chiến biết lấy gì mà tự lượng khả-năng và giá-trị của mình? Cho nên đời người, trong ý-nghĩa hiện-sinh của nó, là cả một tân thảm-kịch, bi-ai, đời người là một chiến-trường trong đó, thù địch không ai khác hơn là chính mình và đồng-loại của mình, những thù địch ấy không thể triệt-tiêu đựơc, mà chỉ có thể thuyết-phục, chiêu-hồi, cải-tạo và đem họ về với mình về với chính nghĩa, chỉ có con đường ấy và sách-lược ấy người mới có may mắn gặp lại tự-tình đích thực của mình. Con đường ấy là con đường “cải-cách hiện-sinh” của “người ta”.

Không riêng gì ở Việt-Nam mà hầu như khắp nơi trên thế-giới, hai chữ Hiện-sinh thường được hiểu như là một lối sống kỳ-dị, đam-mê, buông trôi, thác loạn, bất chấp dư-luận và đạo-đức. Một cách tổng-quát, bất luận nam hay nữ mà trong cách phục sức, đứng ngồi, trò truyện, đi lại và trao đổi tâm tình với nhau, tỏ ra tự-do phóng-túng, đều bị liệt vào loại hiện-sinh. Có người còn cho rằng hiện-sinh đang giựt gân kích-động-nhạc, đang điều-động tứ quái, đang nuôi-dưỡng Hip-py và Bi-tơn. Và dưới những bộ mặt ấy hiện-sinh đang bị đạo-đức và Truyền-thống dân-tộc ngó nhìn với những cặp mắt nghi-ngờ, khinh-miệt…

Ấy, người ta thường nhìn Hiện-sinh là như vậy. Nhưng nếu Hiện-sinh chỉ có thế thôi, thì dư-luận quả đã không mấy bất công đối với những tên tuổi đã trực-tiếp hay gián-tiếp khai-sinh ra phong-trào hiện-sinh, mà chúng tôi cũng đã không mấy được khuyến-khích cố-gắng để có thể gởi đến quý liệt vị cuốn lược-khảo này.

Thực vậy Hiện-sinh trước hết là một triết-lý. Triết-lý của những cá-nhân lỗi lạc ở thế-kỉ hai mươi đã từng suy-tư từ trong cuộc sống bản-thân cũng như của đồng loại, và đã biến triết-lý ấy thành một môn học, thành triết-học hiện đang chiếm một địa vị đáng kể trong lịch sử suy-tư nhân-loại.

Viết cuốn sách này, chúng tôi không có hoài vọng nào khác hơn là giúp một số người muốn tìm hiểu ý-nghĩa đích thực của triết-thuyết hiện-sinh. Triết-lý hiện-sinh có gì khác hơn những nếp sống hàng ngày đang phơi bày trước mắt chúng ta, hoặc những tâm-tình, tư-tưởng, uỷ-mị, ướt-át, bi-quan, phóng-túng, nhiều ít mô tả trong các ấn-phẩm Việt-Nam gần đây? Hiện-sinh như là triết-học có phải là một hệ-thống suy-tư toàn diện và nghiêm chỉnh chặt-chẽ khả-dĩ đáng cho ta lưu-ý và nghiên-cứu như những công trình văn hoá của nhân-loại không? Hiện-sinh có phải là một triết-lý có tính cách khoa học, mathesis universalis, khả-dĩ làm nòng cốt cho mọi suy-tư con người trong tương-lai, và giải-thích được giòng lịch-sử nhân-loại đã qua không? Độc giả có thể phán xét những giòng chữ sắp đọc đã có những tác dụng nào trong việc làm sáng tỏ những vấn-đề trên đây.

Dầu sao chúng tôi cũng muốn hy-vọng rằng từ ý-thức về các sắc thái đa tạp của triết thuyết hiện sinh, con người sẽ thấy rõ hơn thế nào là người đời và thế nào là đời người, với tất cả những kích thước khả-thể của mình, của nhân-loại, trong tương-quan sáng tạo với Thiên nhiên, và để nhờ đó con người sẽ bớt trừu-tượng hơn, bớt ảo tưởng hơn, bớt kiêu-căng, hung hăn hơn, hầu cùng với tha-nhân chung lưng đấu cật tái-tạo và kiện toàn một cuộc sống cộng-động cụ-thể hơn, khoan dung và cởi mở hơn, công-lý và thanh-bình hơn. Phải chăng trí nhân tác triết là như vậy?

Chỉ tiếc rằng tài-năng của người biên soạn đã không tương-ứng với hoài vọng trên. Thực vậy, ngồi đọc lại bản thảo trước khi đưa tới nhà in, chúng tôi không khỏi ái ngại cho việc làm của mình, khi thấy mình đã vô tình hay hữu ý bỏ qua nhiều điều khá quan yếu, đáng lẽ cần được đề-cập tới, dầu là một cách đại-cương, cũng như khi thấy mình chưa diễn-tả đúng mức mong muốn những gì mình đã viết ra. Vả lại mình là người phàm, các triết-gia là những nhân tài xuất chúng. Quod Jupiter, non bovi. Họ có thẩm quyền nói những gì mình không được nói hoặc không nói được. Thành ra nhiều lần chúng tôi tự hỏi không biết đã diễn tả đúng mức tư-tưởng và chủ trương của các triết-gia hiện-sinh chưa.

Trong cuốn này chúng tôi đã trình-bày Kierkegaard, Nietzsche, Jaspers, Sartre và Heidegger. Trong một cuốn khác chúng tôi sẽ đề cập tới Gabriel Marcel, Merleau Ponty, Albert Camus và Simone de Beauvoir, mặc dầu cũng như lần này, chỉ là một cách đại cương.

Chúng tôi chân thành cảm tạ thư-viện Goethe Institute thuộc toà Đại-sứ Liên bang Tây Đức đã cho phép chúng tôi sử-dụng một số tài-liệu, cảm ơn Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hoá, trong chủ-trương dung-hợp và phổ-biến văn-hoá ngoại-quốc, đã chấp thuận in và xuất bản cuốn sách này, và chúng tôi quý mến lòng tốt của nhiều người bạn đồng nghiệp thuộc các viện Đại-học Việt-Nam đặc biệt Saigon và Đà-lạt, đã khuyến khích tôi trong việc biên soạn.

Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá xuất bản vào cuối năm 1969, Hiện Tượng Luận về Hiện Sinh đáng lẽ phải kịp thời tái bản cách đây chừng ba năm hầu sớm tiếp tục đáp ứng đòi hỏi thịnh tình của quý độc giả. Lực bất tòng tâm, xin quý vị lượng thứ. Lần tái bản này, do Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên (Trung Tâm Học Liệu) hoan hỉ đảm trách. Chúng tôi kính xin Quý Bộ và Quý Trung Tâm nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của chúng tôi.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn một số độc giả đã hạ cố gởi đến cho chúng tôi nhiều chỉ giáo và nhận xét quý báu liên hệ đến nội dung và trình bày cuốn Biên khào này. Chúng tôi mong có dịp đề cao những nhận xét hoặc chỉ giáo ấy. Chúng tôi không sửa chữa hoặc thêm bớt gì trong nguyên văn đã xuất bản lần thứ nhất, ngoại trừ một số lỗi lầm ấn công. Riêng đối với Sinh viên Đại học Văn Khoa, cuốn biên khảo này luôn luôn sẽ là những tài liệu cần thiết và hữu ích.
Trích lời tựa

0972 873 962