KHỔNG TỬ

KHỔNG TỬ

KHỔNG TỬ

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 08 âm lịch năm Canh Tuất (năm 551 TCN), đời vua Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại thôn Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, 2 người này đều là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (còn gọi là nhà Ân). Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là cha của Đức Khổng Tử.

Ông lấy họ Khổng bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.

Đêm hôm sinh ra Khổng Tử, có 2 con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở 2 bên sườn núi và có 2 vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại (Mẹ của Khổng Tử). Gội xong thì biến mất. Khi Trưng Tại hạ sinh Khổng Tử thì bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để cho bà tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay. Trưng Tại biết đứa con này sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con.

Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tính ham học.

Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ông sống với mẹ trong cảnh nghèo khó. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, ông chơi với trẻ hàng xóm và thích bày trò cúng tế. Năm 15 tuổi thì lập chí học hành. Năm 19 tuổi, ông cưới vợ, vợ của ông là con của họ Thượng Quan nước Tống.

Năm 20 tuổi, vợ ông sinh một con cậu trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho ông một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, ông đặt tên con là Lý, tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng.

Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cân đo và gặt lúa. Sau đó, ông làm chức Tư Chức Lại, trông coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự. Năm ông 25 tuổi thì chịu tang mẹ. Năm 29 tuổi, ông học đàn với Sư Tương ở nước Lỗ.

Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ đã cho 2 người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo ông học Lễ.

Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí nên đành than thở mà thôi. Học trò ông là Nam Cung Quát nghe vậy liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho ông một cỗ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa ông và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh Tú, rồi đến Xã Đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.

Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì ông đến quan sát và hỏi han cho tường tận. Ông còn đến gặp Trành Hoành để hỏi về Nhạc.

Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ. Từ đó, sự học của ông càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng ông vào việc nước.

Trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ông theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây ông học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời ông tới để hỏi việc Chính trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho ông, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.

Năm sau, ông trở về nước Lỗ và quay về quê để lo việc dạy học và nghiên cứu Đạo học của Thánh Hiền. Lúc đó ông được 36 tuổi.

Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, ông đã 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. 

Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm TCN), ông phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ 3 khoảnh đất ở Quy Âm mà nước Tề đã chiếm của nước Lỗ từ mấy năm trước.

Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ông đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.

Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong ông lên làm Nhiếp Tướng Sự  (Tướng Quốc) coi việc Chính trị trong nước. Ông cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính. Ông chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sỉ nên dân không còn nhiễu loạn mà tình hình chính trị thì mỗi ngày một tốt lên. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị.

Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, bỏ bê việc triều chính, có khi 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho quyền thần. Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được nên chán nản xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.

Khi trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách.

Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên được gọi là Thất thập nhị Hiền.

Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch.

Ông ghi chú các lời nói của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, ông chú giải rất kỹ. Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu để bày tỏ cái Đạo của ông.

Đức Khổng Tử là bậc Chí Nhân Chí Thánh, nhưng ông vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân.

Đối với các môn đệ, ông rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì ông không bao giờ từ chối. Ông thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ông mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.

Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi.

Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

 

  • Các tác phẩm:
  • Kinh Thi: sưu tầm các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử.
  • Kinh Thư: lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
  • Kinh Lễ: chép các lễ nghi thời trước. 
  • Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái… 
  • Kinh Xuân Thu: chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử.
  • Kinh Nhạc: bàn về nhạc thuật và nhạc khí.

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Ấn phẩm "Chân Dung Khổng Tử" của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, sách do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành lần thứ nhất năm 1969. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn. Phác họa lại chân dung, chân tướng Đức Khổng chẳng phải là một công trình mới mẻ gì. Từ mấy nghìn năm nay, người ta đã đổ không biết cơ man nào là mực, đã tốn mất không biết cơ man nào là giấy để làm công chuyện này. Phác họa lại chân dung, chân tướng đức Khổng không phải là...

KINH THƯ

Ấn phẩm "Kinh Thư" của tác giả Khổng Tử, sách do dịch giả Thẩm Quỳnh phiên dịch, được nhà xuất bản Trung Tâm Học Liệu ấn hành năm 1968. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng tốt, sách nguyên bìa gáy, ruột đẹp, sách dày 506 trang, chữ in rõ, không bị nhòe, lõi sách chắc chắn. Kinh Thư hay còn gọi là Thượng Thư là một bộ phận trong bộ sách Ngũ Kinh của Trung Quốc, ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên...
0972 873 962