LA SƠN PHU TỬ

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: LSPTDBX-M-1-D
Tác giả: Hoàng Xuân Hãn
Nhà xuất bản: Minh Tân
Năm xuất bản: 1951
Số trang: 336

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "La Sơn Phu Tử" do tác giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn, được nhà xuất bản Minh Tân ấn hành lần thứ nhất năm 1951. Ấn bản lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt. Đây là ấn bản đóng bìa xưa rất đẹp bên trong còn nguyên bìa gốc, ruột dày 336 trang, Giấy trắng và chữ in rõ. Lõi sách chắc chắn. Phần cuối sách có in thêm phần nguyên văn chữ Hán để phục vụ cho việc nghiên cứu.

La Sơn phu tử, tức vị phu tử đất La Sơn, là nhà Nho nổi tiếng của Đại Việt thế kỷ XVIII-XIX. Cùng với Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai cụ được suy tôn là phu tử (nhà hiền triết). La Sơn phu tử họ Nguyễn, húy Minh, tự Quang Thiếp. Nhưng đời chúa Trịnh Doanh, chữ Quang là quốc húy, cho nên lúc đi thi, cụ phải bỏ chữ đệm (chữ lót) ấy, và lấy tên Nguyễn Thiếp. Ngày sau, trong các sách và văn kiện cũng đều chép như vậy. Sau đó, cụ lại lấy một tự khác là Khải Xuyên, nhất là trong các thư trả lời cho vua Quang Trung Nguyễn Huệ. 

Chuyên khảo về nhân vật lịch sử La Sơn phu tử được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sưu tầm tư liệu từ những năm 1939, đã trích đăng vài kỳ trên báo Thanh Nghị từ năm 1944-1945. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trù tính đem in thành sách nhưng Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra nên kế hoạch in tạm hoãn. Năm 1949, ông cho ra mắt bạn đọc một chuyên khảo độc đáo về nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt (Sông Nhị, Hà Nội) mà trước-sau chưa có công trình nào vượt qua. Mãi đến năm 1952, sau khi gia đình ông sang Paris (Pháp) định cư, La Sơn phu tử mới chính thức ra mắt bạn đọc (Minh Tân, Paris xuất bản).

Cuộc đời La Sơn phu tử trong cuốn sách cùng tên được học giả Hoàng Xuân Hãn phục dựng rất chi tiết, qua những khảo cứu tư liệu công phu, bạn đọc sẽ nhìn thấy rất rõ hành trạng của nhân vật lịch sử sống cách chúng ta hơn 200 năm. Tầm vóc và nhân cách của vị phu tử đất La Sơn, thái độ của người trí thức trước thời cuộc thông qua lẽ xuất xử được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mô tả rất rõ thông qua mối quan hệ của cụ với vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ ba lần gửi thư mời, ba lần La Sơn phu tử từ chối. Nguyễn Huệ lúc đầu trong mắt La Sơn phu tử chỉ là “một thằng giặc nước ngoài, sau lại thành một gian hùng mượn kế diệt Trịnh phù Lê, rồi thôn hoạch nước mình”. Trong khi đó, La Sơn phu tử là tôi của nhà Lê, mặc nhiên công nhận cái mặt trời chính đáng của nhà Lê. Qua thư từ, qua thái độ cầu hiền của Nguyễn Huệ, và qua sự kiện Lê Chiêu Thống đưa giặc vào Thăng Long, Nguyễn Huệ xưng vương kéo quân ra Bắc đánh tan quân Thanh, tư tưởng của La Sơn phu tử đã có những chuyển biến quan trọng: chịu gặp mặt, hiến kế đánh giặc, ra hợp tác với Quang Trung qua việc dịch sách, gửi thư khuyên vua… La Sơn phu tử chịu chấp nhận quy luật hưng vong, lẽ thịnh suy ở đời, cụ chấp nhật thực tế là nhà Lê hết vận, cụ chấp nhận Nguyễn Huệ là bậc trượng phu, cụ chịu ra hợp tác nhưng… rất có chừng mực.

Chuyện La Sơn phu tử là chuyện một cá nhân đặc biệt, một cá tính đặc biệt.

“Chê khen một cá nhân như vậy là quyền bình luận của mọi người. Không đợi chúng ta, những kẻ đương thời cũng đã từng có tán dương hay kích bác. Nhưng chúng ta nay không còn ở trong một xã hội mà từ tư tưởng đến hành động toàn dựa vào đạo Nho. Vậy xét đoán La Sơn phu tử có phần dễ khách quan hơn. Nhưng muốn hiểu tâm lý phu tử, ta phải tự đặt mình vào khoảng lịch sử hỗn độn bậc nhất ở nước ta, là khoảng từ cuối Lê đến đầu Nguyễn.

Vả chăng, cái thái độ vô vi của cá nhân kia chưa hẳn đã hoàn toàn vô hiệu. Tuy không giữ một vai quan trọng gì đối với thời cuộc, nhưng bởi cái đặc tính của mình, phu tử đã liên can đến tất cả các vai chính trong màn lịch sử đương thời.”

– Giáo sư Hoàng Xuân Hãn-

0972 873 962