Tác giả: Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân
Lê Cung Bắc và tôi cùng học một trường: Viện Đại học Đà Lạt. Nhưng anh học Chính trị Kinh doanh (CTKD), còn tôi – Văn khoa (Việt văn).
Đạo diễn Lê Cung Bắc (1946-2021)
ẢNH: TƯ LIỆU
Bắc thuộc lớp đàn anh còn tôi thuộc lớp đàn em, cho nên năm 1970 khi tôi vào học năm thứ nhất ban Cử nhân giáo khoa Việt văn thì Bắc đã ra trường - anh về tiếp tục học Cao học CTKD (ngành Bang giao quốc tế) tại Sài Gòn và làm báo, nhưng lại nổi tiếng hơn trên lĩnh vực kịch nghệ với vai trò kịch sĩ và đạo diễn mà cho đến nay nhiều khán giả còn nhớ vở kịch Những người không chịu chết (của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan) do Lê Cung Bắc đạo diễn và diễn xuất (cùng với nữ nghệ sĩ Thanh Lan) năm 1972!
Điều đó cũng phải thôi vì trước khi về Sài Gòn kịch sĩ Lê Cung Bắc đã nổi tiếng tại thành phố mộng mơ Đà Lạt và Viện Đại học Đà Lạt – nơi khởi nguồn Ban kịch Trường Giang, tiền thân của Ban kịch Thụ Nhân rồi Kịch đoàn Thụ Nhân sau này mà tôi là một thành viên.
Năm 1970 khi tôi học năm thứ nhất ban Việt văn, lúc hãy còn lạ nước lạ cái chưa quen biết ai, hãy còn chật vật đối phó với môn Hán văn, bên cạnh đó lại phải cố gắng thích nghi với cái lạnh cắt da của Đà Lạt vào tháng 11, tháng 12 (Viện Đại học Đà Lạt khai giảng vào thời gian này), gió thổi veo véo qua lá thông trên đầu, gió thốc cái lạnh buốt vào người làm nứt môi, tróc da. Nhưng mỗi khi đi ngang qua cổng Viện vào sân lúc nào tôi cũng bị chú ý tới một biển cáo thị được đặt ở địa điểm bắt mắt nhất , trên đó tôi đọc thấy tên Ban kịch Thụ Nhân và tên của các vở diễn như: Kim tiền (của Vi Huyền Đắc), Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (Vũ Khắc Khoan), Lão hà tiện (L’Avare, Molière), Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois Gentilhomme, Molière)… Ban kịch Thụ Nhân được anh Lê Cung Bắc, anh Phạm Văn Lại và những thành viên khác trong ban đổi tên từ Ban kịch Trường Giang do anh Lê Cung Bắc sáng lập trước đó cho phù hợp với quy mô phát triển mới gắn với Viện.
Phạm Văn Lại (trái) là một trong những thành viên sáng lập Ban kịch Thụ Nhân và Lê Cung Bắc ẢNH: T;L |
Đến năm thứ ba, thông qua Lê Kim Ngữ (học năm thứ ba ban Cử nhân Pháp văn có mối liên hệ với tôi qua việc nghiên cứu Kịch nghệ), Ngữ mời tôi tham gia Ban kịch Thụ Nhân với vai trò đạo diễn kiêm diễn viên. Bấy giờ Ngữ đang dựng vở Thành Cát Tư Hãn (của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan) và đóng vai Thành Cát Tư Hãn để trình diễn chào mừng Ngày Đại học do Viện tổ chức. Anh Phạm Văn Lại là một trong những thành viên sáng lập Ban kịch Thụ Nhân trước đó cho biết vở kịch kinh điển này đã được trình diễn nhiều nơi, trước đây từng diễn tại sân khấu Spellman do Ban kịch sinh viên khóa 4 CTKD trình diễn với thành phần như sau: đạo diễn Nguyễn Hữu Anh Tuấn; Uông Bình Minh trong vai Thành Cát Tư Hãn; Lê Cung Bắc vai tráng sĩ Sơn Ca, và đặc biệt Khánh Liễu (Văn khoa) vai Công chúa Giang Minh. Công tác điều hành, quản lý Ban kịch K4 CTKD do các sinh viên Phan Bá Phi, Nguyễn Hữu Tuân… phụ trách.
Lúc ấy tôi chưa gặp Lê Cung Bắc lần nào, đúng như câu nói của người xưa văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình (nghe tiếng mà chưa gặp) nên cũng háo hức và hồi hộp lắm. Bởi mình là đạo diễn tay mơ trong khi Lê Cung Bắc đã có số má, tên tuổi vang trời rồi.
Ngày trình diễn vở Thành Cát Tư Hãn khán giả chủ yếu là sinh viên của Viện Đại học Đà Lạt và học sinh lớp 12 các trường trung học tại thành phố Đà Lạt: Bùi Thị Xuân, Văn Học, Việt Anh… kể cả phóng viên kịch trường từ Sài Gòn lên, trong đó tất nhiên là có Lê Cung Bắc!
Thật bất ngờ, vở diễn thành công ngoài sức mong đợi, hơn 500 khán giả đã ngồi, đứng chật cả khán phòng liên tục vỗ tay theo những cảnh diễn hay khiến anh chàng đạo diễn tay mơ tôi kiêm diễn viên bất đắc dĩ vì không có ai đóng (vai Đại tướng Dương Bân - chiến hữu của Thành Cát Tư Hãn) như bay bổng lên ngọn thông chẳng còn để ý gì cả. Đến khi hạ màn, mọi người ra về rồi tôi mới hỏi Lê Kim Ngữ là anh Lê Cung Bắc có đến không, Ngữ ngạc nhiên nói anh Bắc ngồi ở hàng ghế đầu cậu không thấy sao. Tôi thú thật là không thấy vì tôi chưa hề gặp Lê Cung Bắc lần nào. Và từ đó cho tới khi ra trường (1974), tôi vẫn không có cơ hội gặp anh tại Đà Lạt.
Vở Thành Cát Tư Hãn của Ban kịch Thụ Nhân ẢNH: T.L |
Cuộc gặp giữa Sài Gòn của hai chàng kịch sĩ Thụ Nhân
Một cơ hội bất ngờ xảy ra khi tôi vừa gặp chuyện không hay trong nội bộ Viện, khiến tôi không được chấp nhận ở lại Văn khoa làm phụ khảo Hán Nôm sau khi tốt nghiệp. Song ngay lúc ấy, thầy Vũ Khắc Khoan - Trưởng ban Việt văn đồng thời là giáo sư bảo trợ cho luận văn Cao học về Kịch nghệ của tôi - gặp tôi và ân cần nói: "Thôi bỏ đi! Cậu về Sài Gòn làm kịch với tôi nhé! Tôi sẽ giới thiệu cậu gặp gỡ một số anh em cũng là học trò tôi ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn: Trần Quang, Lê Tuấn, Hà Bay, Đỗ Anh, Vũ Hiệp…, trong đó có Lê Cung Bắc. Cậu chắc biết Bắc chứ?". Tôi thú thật với thầy là tôi chưa có được hân hạnh đó, nhưng không sao anh em có cùng gốc gác Thụ Nhân thì “giai huynh đệ” mấy hồi!
Bấy giờ thầy Vũ Khắc Khoan đang là Khoa trưởng khoa Điện ảnh và Kịch nghệ tại Đại học Tri Hành. Trường này do tư nhân sáng lập, những năm trước chuyên đào tạo về thương mại, đến năm 1974 lại theo Đại học Minh Đức mở khoa Điện ảnh và mời thầy Vũ Khắc Khoan làm Khoa trưởng, thầy thêm vào ngành Kịch nghệ vì đây là sở trường của thầy. Vậy là tại Sài Gòn năm 1974 có thêm một địa chỉ đào tạo hai ngành Điện ảnh và Kịch nghệ bên cạnh Đại học Minh Đức (Điện ảnh), Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (Kịch nghệ). Ước mong của thầy là bên cạnh khoa Điện ảnh và Kịch nghệ, Đại học Tri Hành sẽ thành lập một Ban kịch nói mang tên Chúng ta quy tụ phần lớn các học trò của thầy trong đó dĩ nhiên có Lê Cung Bắc và tôi. Nhưng trước hết phải “sắp xếp” một cuộc gặp gỡ giữa hai anh chàng Thụ Nhân cái đã. Thế là thầy bảo tôi đến nhà thầy tại cư xá Giáo sư Đại học Sài Gòn số 57 Duy Tân, quận 1. Và đó là lần đầu tiên hai chàng kịch sĩ tên tuổi của Kịch đoàn Thụ Nhân gặp nhau tay bắt mặt mừng. Lê Cung Bắc để lại trong tôi một ấn tượng khó quên về cái chất nghệ sĩ phóng khoáng, cởi mở của anh không phân biệt tuổi tác, vị trí xã hội (lúc ấy anh đã là một nghệ sĩ có số má trên các trang báo kịch trường).
Hôm đó thầy Vũ Khắc Khoan, anh Lê Cung Bắc và tôi ngồi nói chuyện với nhau rất tương đắc. Không biết thầy đã nói gì với anh Bắc về tôi mà thấy anh đối với tôi rất trọng thị và chan hòa. Thầy mong muốn chúng tôi sẽ giữ mãi mối thân tình của ngày hôm ấy. Không ngờ đó lại là cuộc gặp gỡ tay ba cuối cùng.
Thầy ơi!
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
(Màu thời gian, Đoàn Phú Tứ)
Thầy thì tôi không gặp lại được. Nhưng Lê Cung Bắc thì vì “Duyên trăm năm không đứt đoạn” nên sau đó tôi được gặp lại anh.
Một hôm tôi đang đi xe máy trên đường thì một chiếc xe lam chở khách chạy về hướng Nhà Bè qua mặt, trên xe chật cứng người nhưng tôi kịp nhận ra anh Lê Cung Bắc đang ngồi chen chúc trong số những người khách ấy! Tôi mừng rỡ gọi, trên xe Lê Cung Bắc cũng nhận ra tôi nên vẫy tay chào vui vẻ và hẹn sẽ gặp nhau. Sau này khi cuộc sống đã tương đối ổn định, anh kể lại những năm tháng gian khổ mà anh đã trải qua như bao nhiêu người khác sau chiến tranh, lần gặp tôi anh từ Long Thành (Đồng Nai) về nhà vợ (chị Bùi Thị Giang) bên Nhà Bè. Nhìn anh khuôn mặt đậm màu sương gió nhưng cái chất nghệ sĩ hào hoa một thời Thụ Nhân ngày nào vẫn không phai. Tôi hỏi anh về thầy Vũ Khắc Khoan, anh cho biết thầy hiện ở Mỹ vẫn mạnh khỏe nhưng buồn.
Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
(Tình nghệ sĩ, Đoàn Chuẩn – Từ Linh)
Rồi anh hỏi tôi bây giờ sinh sống, làm việc thế nào, tôi cho anh biết đang làm phó đạo diễn, biên tập và biên kịch điện ảnh tại Xí nghiệp phim tổng hợp TP.HCM (Hãng phim Giải Phóng sau này), ngoài ra còn là thành viên Ban biên tập tạp chí Điện ảnh của Hội Điện ảnh TP.HCM. Bắc cho biết anh cũng đang tìm kiếm cơ hội trở lại với nghiệp diễn xuất trong lĩnh vực điện ảnh vì sân khấu lúc đó không còn thích hợp nữa.
Tôi nói với Lê Cung Bắc rằng nếu ở bên Mỹ, thầy Vũ Khắc Khoan biết được Bắc và tôi – hai học trò ruột của thầy, đang nói chuyện đời với nhau và nhắc nhiều về thầy chắc thầy không khỏi ngậm ngùi mà nhếch môi cười: Hóa ra Lê Cung Bắc và Phạm Thùy Nhân vẫn bị quyến rũ bởi ánh đèn sân khấu (và nay sân quay).
Võ Sông Hương vai Nam trong Dòng đời ẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH CON DƯỜNG GAI NHỌN (PHẠM THÙY NHÂN) |
Năm 1985, khi làm phó đạo diễn cho đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh làm phim Con thú tật nguyền (kịch bản: Ngụy Ngữ - Hồ Quang Minh), tôi giới thiệu Trần Quang vào vai Bình - nam chính và Lê Cung Bắc vào vai Trí - một vai quan trọng của phim này. Trước đó Bắc đã đóng trong khá nhiều phim của các đạo diễn khác.
Thầy Vũ Khắc Khoan mất sau đó một năm (12.9.1986) nhưng tôi tin hương hồn thầy vẫn dõi theo những bước đi của hai cậu học trò mình. Giờ tôi vẫn thường gặp thầy về với tôi cả trong giấc ngủ lẫn khi tỉnh thức.
Năm 1995, tôi giới thiệu Lê Cung Bắc với anh Trần Thanh Hùng - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, để Bắc đạo diễn phim điện ảnh Nhịp đập trái tim, kịch bản của tôi. Và Lê Cung Bắc được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Tác phẩm đầu tay từ bộ phim điện ảnh này.
Nhưng xem ra Lê Cung Bắc lại bén duyên với truyền hình hơn. Năm 1996, anh được Hãng phim Truyền hình TFS của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tin tưởng giao đạo diễn bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của TFS: Người đẹp Tây Đô (kịch bản: Trầm Hương) kể về cuộc đời và hoạt động chống thực dân Pháp của nữ tình báo nổi tiếng – bà Lâm Thị Phấn.
Sau thành công của Người đẹp Tây Đô, năm 1999, Lê Cung Bắc lại được Hãng TFS giao trọng trách thực hiện một bộ phim khác mang tên Dòng đời do tôi viết kịch bản, dõi theo số phận thăng trầm của một người phụ nữ từ khi còn bé cho đến lúc trung niên suốt một phần tư thế kỷ. Có thể nói với chiều dài 52 tập (30 phút/tập), Dòng đời được xem là bộ phim dài nhất của TFS cho đến lúc ấy (2001) và đã tạo nên một cơn sốt phim truyện truyền hình bấy giờ. Trong cuộc bình chọn của khán giả dành cho các phim truyện truyền hình của TFS đã phát sóng nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, phim Dòng đời đã được khán giả bình chọn vào 3 giải: Đạo diễn được yêu thích nhất (NSƯT Lê Cung Bắc); Nữ diễn viên chính được yêu thích nhất (Võ Sông Hương); Quay phim được yêu thích nhất (Đồng Anh Quốc).
(Trích từ Báo Thanh Niên)