LƯƠNG VĂN LỰU

LƯƠNG VĂN LỰU

LƯƠNG VĂN LỰU

Lương Văn Lựu sinh ngày 22/12/1916 tại làng Bình Trước, xã Tân Thành, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà. Ông là con trai út trong một gia đình nho giáo, cha làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh. Từ nhỏ, ông Lương Văn Lựu rất ham học. Dù khó khăn về kinh tế nhưng gia đình ông đã cố gắng cho ông học hành.

Năm 1923 Lương Văn Lựu học tiểu học trường É cole primaire complé mentaire de Bien Hoa (nay là trường Tiểu Học Nguyễn Du Biên Hòa – Đồng Nai). Khoảng năm 1935, ông tốt nghiệp trung học Pháp - Việt (Diplôme) với vốn ngoại ngữ thuộc loại giỏi, ông thông thạo chữ Quốc Ngữ, Hán tự và Pháp văn. Do không đủ tuổi để học tiếp lên cao nữa và điều kiện gia đình cũng không cho phép, ông nghỉ học và tự mày mò, nghiên cứu học hỏi… Lương Văn Lựu là người thông minh, siêng năng học tập nên kiến thức của ông ngày càng sâu rộng và cao thâm. Trên con đường tự học thì giai đoạn này trí tuệ của ông đạt đến đỉnh cao.

Ngày 12/12/1936, ông kết duyên cùng bà Phan Thị Nở, người Làng Bình Trước. Ông và bà sinh được 9 người con (5 trai và 4 gái), hiện còn 2 người con trai và 1 người con gái.

Năm 1935, rời ghế nhà trường, Lương Văn Lựu bắt đầu bước vào đời sống tư chức và công chức. Ông làm cộng tác viên cho báo Sài Gòn Mới, nổi tiếng về dịch thơ Pháp cùng với Băng Dương (Bùi Nhựng). Sau đó ông cùng viết chuyên mục tiểu thuyết thứ bảy cùng Lý Văn Sâm dưới bút hiệu Nhứt Lưu - Trọng Khanh, gây tiếng vang trên văn đàn giai đoạn 1935 - 1945. Năm 1948, ông làm chủ bút cho nguyệt san Biên Hùng mỗi tháng phát hành hai lần, do Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa ấn hành và giao cho ông Lý Quý Phát (thân phụ cố nhà báo Chánh Trinh) làm chủ nhiệm, những năm 1948-1955.

Sau 1950, Lương Văn Lựu bước vào đời sống công chức:

- Năm 1950: Trưởng phòng hành chánh Ty Công chánh Biên Hòa – Quản Đốc Hầm Đá Bửu Long.

- Năm 1954 đến 1960: Ủy Viên Hội Thể Thao Tỉnh Biên Hòa.

- Năm 1968: Trưởng Ty Hành chánh Biên Hòa.

- Năm 1969: Trưởng Ty Kinh Tế Biên Hòa.

- Năm 1972 đến 1975: Giám đốc ngân hàng Phát Triển Nông Thôn Công Thanh.

 

Từ những năm 1940 – 1945 Lương Văn Lựu bắt đầu góp nhặt tài liệu lịch sử, ấp ủ cho một công trình nghiên cứu về vùng đất Biên Hòa, đến năm 1958 ông chuyển hẳn sang nghiên cứu, tìm hiểu về các di tích lịch sử của địa phương và khu vực Biên Hòa. Trên 30 năm, Lương Văn Lựu đã dày công nghiên cứu và biên khảo thành tập “Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên”, các đề tài văn học khảo cứu, phong tục lễ nghi và địa danh đời sống đều được ông ghi chép rất tỉ mỉ, đầy đủ. Nhiều năm qua, đã có các phát hiện mới, song không ít trong số đó vẫn chưa qua được những gì mà ông cất công tìm kiếm và chắt lọc trong bộ sách của mình. Bộ sách Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên đã khẳng định vị thế của Lương Văn Lựu trong hàng ngũ trí thức Biên Hòa thời bấy giờ, tạo cho ông một chỗ đứng vững chắc, sáng giá trong giới nghiên cứu.

“Bộ Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên” gồm 4 quyển: Trấn Biên Cổ Kính – Biên Hùng Oai Dũng – Biên Hòa Tân Tiến – Đồng Nai Thơ Mộng, sau đó Lương Văn Lựu soạn thảo tiếp “Lịch Sử 300 Năm Người Việt Gốc Hoa” được đính vào bộ sách thành 5 quyển. Năm 1972 bộ sách Biên Hòa Sử Lược được tác giả đứng ra xuất bản 2 tập Trấn Biên Cổ Kính – Biên Hùng Oai Dũng. Sau năm 1975 bộ sách không còn được tiếp tục xuất bản và đến giờ do thời gian và nhiều biến cố các tập bản thảo còn lại cũng đã thất lạc.

Lương Văn Lựu còn có một tâm hồn thơ ca dào dạt, thơ của ông ngợi ca quê hương sông núi, quê hương xứ Bưởi với 3 tập thơ, hơn 200 tác phẩm đều là những tác phẩm ông sáng tác những năm cuối đời.

Sau thời gian học tập cải tạo từ tháng 5 năm 1975 đến năm 1980 Lương Văn Lựu trở về. Tuổi cao, sức yếu nên tình hình sức khỏe của ông giảm sút đi nhiều. Năm 1983 sau một lần té nặng, do va chạm hệ thần kinh nên mắt ông ngày càng mờ dần và mù hẳn vào năm 1984. Giai đoạn này hoạt động văn chương của Lương Văn Lựu chùng lại. Song, dù mắt mù mà tâm vẫn sáng, tấm lòng Lương Văn Lựu vẫn rạng ngời, đặc biệt là trong những ý thơ, trong những buổi trò chuyện cùng các nhà văn lớp đàn em… Dù cho thân hình gầy gò, lại bị bệnh mù cả hai mắt nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Mỗi khi có người hỏi chuyện là những ký ức đã bị chôn vùi qua bao lớp thời gian như được sống lại. Mặc dù không tự viết được, Lương Văn Lựu vẫn sáng tác và nhờ người ghi lại, trong đó có vài người chấp bút giúp ông nay cũng đã ra người thiên cổ như cô Trần Thị Giếng (Ba Giếng – em gái Trần Ngọc Ẩn), cô Lê Thị Bông (Ba Bông) là cựu giáo viên trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, ngoài ra còn có một số con cháu viết hộ ông như: Lương Ngọc Hương, Lương Minh Lý, Lương Ngọc Châu…Vì lẽ đó những tập bản thảo của Lương Văn Lựu về thơ ca những năm 1986 – 1991 đều không đồng nhất mẫu chữ viết và bút tích của ông còn sót lại cũng rất hiếm hoi. Năm cuối đời, trong căn nhà ở xóm Cây Chàm – Biên Hòa – Đồng Nai, do mắt không nhìn thấy, vấp té nhiều lần, Lương Văn Lựu bị liệt toàn thân và từ đó không dậy được nữa, nằm lâu ngày tay ông bị co cơ và rất đau buốt mỗi khi cử động.

Do bệnh tật và sức lực cạn dần, Lương Văn Lựu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ sáng, ngày 30/05/1992 (nhằm ngày 28 tháng 4 năm Nhâm Thân), hưởng thọ 77 tuổi. Thi hài của Lương Văn Lựu được an táng tại nghĩa trang Miễu Bình Thiền, (phường Bửu Long, Biên Hòa – Đồng Nai).

 

  • Các tác phẩm:
  • Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên:
  • Trấn Biên Cổ Kính
  • Biên Hùng Oai Dũng
  • Biên Hòa Tân Tiến
  • Đồng Nai Thơ Mộng
  • Ba Trăm Năm Người Việt Gốc Hoa
  • Biên Hòa Quê Hương Tôi (vọng cổ)
0972 873 962