Ấn phẩm “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn do Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh ấn hành năm 1966 (đây là ấn bản lần thứ 2). Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách mùa Thu có tình trạng rất tốt, bìa gốc, lõi sách rất đẹp, gáy sách tốt, không có trang bị rách hay cong góc.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một nhà khoa học, một nhà giáo dục đại tài đã sáng tạo ra chương trình giáo dục Việt ngữ để thay thế cho chương trình Pháp từ năm 1945 khi nước nhà mới độc lập.
Bằng tài năng và nỗ lực tìm tòi, khảo cứu với nhiều nguồn tài liệu ở trong nước và nước ngoài, giáo sư đã thành công tập hợp các tư liệu mà mình sưu tầm được lại thành cuốn “Lý Thường Kiệt- Lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý” Tuy nhan đề của cuốn sách là “Lý Thường Kiệt” nhưng thật ra là sử bang giao với lân bang của nước ra về thế kỷ thứ XI, đại biểu là với Tống và Chiêm Thành trong triều Lý. Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài năng, nghị lực để gây dựng, tổ chức và gìn giữ khoảng đất gốc cỗi của tổ quốc ta ngày nay; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên; máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt. Chính dòng ấy đưa mỗi người hành động trước vận mệnh dân tộc, hây nên chí quật cường, lòng từ ái.
“Vẫn biết sống về tương lai nhưng dĩ vãng là gương nên ngắm lại.
Vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật.
Vẫn biết chớ vị vào phân tranh đời trước mà gây oán thù đời sau, nhưng biết rõ sự tranh đấu đời xưa, sẽ làm cho các nước càng kính nể nhau thêm, và mới hiểu vì sao phải cộng tác ngang hàng.”
Đó chính là ý tưởng và nguyện vọng của giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi viết lời tựa của cuốn sách tại Hà Nội và tháng 03 năm 1949.