Có lần, tôi được một người bạn sống ở nước ngoài tặng vài món quà nhỏ, trong đó có hũ thủy tinh đựng nến thơm, một món đồ xinh xắn không có gì đặc biệt. Một buổi tối mất điện, tôi mang hũ nến ra đốt và dần cảm nhận một mùi thơm thoang thoảng, không phải mùi hương hoa mà là một thứ mùi lạ lùng lại rất thân quen, gợi nhớ một điều gì rất xưa cũ.
Lúc đó tôi mới nhìn lại nhãn dán trên hũ nến. Đó là loại nến có mùi hương của… sách bọc bìa da thuộc, loại sách quý được đóng bằng kỹ thuật kinh điển, thường nằm trong các tủ sách giới thượng lưu hoặc là loại sách cổ lưu truyền nhiều đời trong một gia đình bình thường. Nhà tôi chỉ có vài cuốn sách như vậy, bằng tiếng Pháp, để lại từ thời ông ngoại còn làm ở Sở Hỏa Xa Đông Dương trước năm 1945. Mùi hương đó có mùi giấy cũ, mùi da thuộc và một chút mùi vani, mùi trà cũ… là những gì tôi cảm nhận.
Việc nghiên cứu và kinh doanh mùi hương của sách ở nước ta nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thế giới, nhất là phương Tây, đã đi rất xa trong chuyện này. Ở Anh có một viện mang tên “Viện Số hóa khảo cổ học” đã làm chuyện độc đáo là thu lại mùi từ những cuốn sách cổ thế kỷ XIII tại hai thư viện của Anh và Mỹ rồi tổ chức triển lãm cho khách đến thăm ngửi mùi.
Họ lấy mùi bằng cách đặt sách trong hộp kín 72 giờ, thổi khí tinh khiết vào và thu mùi hương, xong phân tích thành phần hóa học của nó rồi mô phỏng lại. Một số công ty nước hoa và làm nến thơm nắm bắt ngay ý tưởng này, cho ra lò các sản phẩm của mình cho dân “mọt” ngửi mùi sách. Có nơi còn tạo mùi hương lấy cảm hứng từ một tác giả cụ thể, như một người ở Mỹ kể rằng đã được mẹ anh tặng cho một cây nến Charles Dickens có mùi quýt, mùi cây bách xù và đinh hương. Tất nhiên, anh ta là một con mọt sách sống ở một đất nước nhiều người thích đọc sách.
Hình ảnh người mua sách ấp cuốn sách vào mặt hít mùi sách mới rất dễ bắt gặp đâu đó ở nhà sách, ngoài đường sách. Vậy sách có mùi gì? Tôi nhớ sách thường có mùi thơm nhẹ như vani, có khi có mùi chua nhẹ. Người ta nghiên cứu rằng giấy làm từ gỗ có chứa chất clignin, một hóa chất có liên quan mật thiết với vanillin là hợp chất tạo ra hương vani.
Ở Anh, từ một cuốn sách cổ xuất bản năm 1928, người ta ngửi thấy một phần của cuốn sách này là một trong tám mùi không xác định, bao gồm mùi sô cô la, mùi lửa than, mùi… nhà trọ cũ, mùi chợ cá, mùi vải lanh, bã cà phê, nước xốt và cà ri. Ở nhiều nơi, người ta cảm thấy mùi sôcôla là phổ biến nhất. Sau đó là mùi cà phê, mùi cà ri, gỗ và mùi than củi. Sách trong một nhà thờ ở Anh có mùi gỗ, khói, đất, vani, mùi mốc, hạnh nhân, mùi cay nồng, dược liệu, hoa, trái cây, mùi bánh mì, cam quýt, mùi chua, và mùi kem…
Tôi nghĩ, nếu có ai thích ngửi mùi sách, thật ra đó là tình yêu đối với sách mà mùi hương là chất dẫn truyền.
Chắc chắn mùi của sách ở châu Âu khác mùi sách ở xứ nhiệt đới. Cuốn sách trong căn nhà ẩm thấp hay thiếu vệ sinh dễ hình thành mùi của sách. Sách càng cũ càng có mùi riêng. Mùi sách có được còn từ những thói quen của người đọc sách. Có ai ăn vặt khi đọc không? Có ai đã làm đổ rượu, hút tẩu, hay vừa đọc vừa nấu bếp đốt bằng củi? Có cuốn sách nào được dùng đế… chống chân ghế hoặc đập con ruồi, con muỗi hay con gián không? Có ai ép lá thuộc bài, cánh hoa hồng hay cánh hoa phượng không? Tất cả đều tạo nên hương của sách.
Vậy sách ở Việt Nam có mùi gì?
Thập niên 1940, khi giấy in khan hiếm, người ta dùng giấy dó in sách, vậy sách bằng giấy dó có mùi gì?
Sau năm 1975, giấy in sách dùng giấy tái chế có mùi gì? Trong trí nhớ, tôi nghĩ đó là mùi than củi khét, mùi cỏ khô, có đúng vậy chăng? Mùi sách in bằng giấy tái chế gắn chặt với thời bao cấp khốn khó, thèm đọc sách đến độ không thể tưởng tượng rằng mình có thể đọc được những cuốn sách giấy đen xỉn đến như vậy. Mua lại vài cuốn sách xưa như Đội săn của quốc vương Xtac hay Nhà nguyện Critxtốp, lại cảm thấy có mùi ẩm mốc và mùi bụi lâu năm không thoát được.
Mùi sách gắn với những kỷ niệm. Tôi nhớ ba tôi thích vừa đọc sách vừa rít ống điếu (bây giờ gọi là tẩu). Khi giở mấy cuốn sách ba thường đọc đi đọc lại như bộ Con đường đau khổ của Alexey Tolstoi hay bộ Sông Đông êm đềm của Solokhov, thoảng qua mùi thuốc lá Gò Vấp. Tuy nhiên, khi giở ra bộ Tam Quốc Chí mà ông đọc thường xuyên thời trước 1975, lại có mùi thuốc lá nhồi Half and Half mà sau này tôi biết đó là mùi anh đào.
Những ngày hè mùa mưa tuổi nhỏ, không đi chơi được, tôi ôm bất cứ sách gì đang có để đọc. Ánh sáng ngày mưa ngoài cửa sổ không đủ nên sách được dí sát vào mắt. Tôi nhớ nhiều cảm giác lúc đó với mùi sách ấm, hơi chua sát tận mũi.
Tôi nghĩ, nếu có ai thích ngửi mùi sách, thật ra đó là tình yêu đối với sách mà mùi hương là chất dẫn truyền. Cuốn sách mới mua, nâng niu trên tay nhưng chưa đọc được ngay thì động tác ấp sách vào mặt để cảm nhận mùi hương là cách tiếp nhận ban đầu chóng vánh nhất. Đối với những cuốn sách xưa cũ, sách quý trong thư viện mới có, sách do người Pháp viết về Đông Dương, sách giấy dó của Tản Đà, sách L’art à Hue… mùi sách đôi khi ẩm mốc, đôi khi khô cứng hay bụi bặm…. tỏa ra mùi quá khứ, mùi thuộc địa, mùi của những ngày xưa lạc hậu, lễ nghĩa cũ mòn… Ai đã cầm đến những cuốn sách này: ông Tây thực dân? Cụ Vương Hồng Sển? ông Sơn Nam?… Nó đã nằm ở đây từ khi nào, lưu lạc vào Nam từ biến cố 1954, Huế 1968 hay được thu mua sau này?
Người ta có thể đoán tuổi một cuốn sách dựa vào mùi giấy cũ in ra cuốn sách đó đang trong quá trình tự hoại dù rất chậm. Điều đó được giới bán sách cổ nghiên cứu kỹ. Trong số đó, vài người đã tìm cách làm sách cổ giả, ngoài hình thức cũ kỹ và tàn tạ bằng kỹ thuật in ấn, kỹ thuật đóng sách theo kiểu cổ điển và nhiều thủ thuật khác, họ bắt buộc cần phải tạo mùi mốc, ẩm lâu ngày, bụi và những mùi khác để đẩy tác phẩm giả mạo tinh vi của mình lên giá rất cao mà chỉ giới nhà giàu mới mua nổi. Đó là câu chuyện ở nước ngoài và biết đâu nó sẽ lan tới thị trường sách Việt!
Tôi nhớ mấy năm đầu thập niên 2000, thị trường sách khởi sắc do các công ty văn hóa tư nhân được làm sách liên kết. Sách tồn nhiều nên vài nơi bắt đầu bán sách giảm giá, đến tận kho chọn lựa. Cảm giác được bò dưới sàn xi măng lựa sách, lúc đó đã bề bộn không theo thứ tự nào, thật sung sướng. Mùi sách cũ lưu kho thoảng trong không khí, không giống lắm mùi của những tiệm sách cũ… kiểu gì cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc, nhắc tôi nhớ tuổi nhỏ cùng anh đi mua sách ở mấy cái sạp gần khu vệ sinh công cộng trên đường Lê Lợi, và những lần tự đón đi xe lam ra chợ sách cũ Đặng Thị Nhu sau năm 1975…
- Phạm Công Luận -