Ấn phẩm "Người Mỹ xấu xí" của tác giả William Lederer và Eugene Burdick, sách do dịch giả Lưu Bằng chuyển ngữ Việt văn, được nhà xuất bản Vui Học ấn hành năm 1970. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách nguyên bìa gáy, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn. Sách dày 152 trang, kích thước 20x14cm.
Cuốn " Người Mỹ xấu xí" là Cuốn sách đã làm rung chuyển nhận thức ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về “sứ mạng” của người Mỹ trong cái gọi là “phát triển tự do và dân chủ” tại các nước phương Đông.Cho đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, “Người Mỹ xấu xí” đã bán được hơn 4 triệu bản. Cùng trong thời kỳ này, trong bài "Việt Nam toàn cảnh mang tính biểu tượng cho “Người Mỹ xấu xí”, và trận tuyến mới”, tác giả Giôn Heo-man (John Hellmann) cho hay, “Người Mỹ xấu xí” là một trong những sách bán chạy nhất trong lịch sử của Mỹ, được xem là một tiểu thuyết chính trị có ảnh hưởng nhất trong văn học Mỹ cổ kim.
Uy-li-am Lê-đê-rơ là một sĩ quan hải quân Mỹ hoạt động tại Đông Nam Á trong thời gian Oa-sinh-tơn đang phù phép để tạo dựng chế độ độc tài Ngô Đình Diệm được dán nhãn “Việt Nam cộng hòa” phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chấp bút cùng là Giáo sư Iu-gien Bớc-đích của Trường Đại học California, cũng từng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Tác phẩm khắc họa những thất bại trong chính sách can thiệp của Mỹ ở xứ sở được mệnh danh là “Sarkhan” thuộc Đông Nam Á, do thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán. Lê-đê-rơ và Bớc-đích cảnh báo: “Nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục làm ngơ đằng sau những bài học này (những can thiệp của Mỹ vào Đông Nam Á thập niên 1950), thì vùng này sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô hoặc Trung Quốc”. Từ đây, thuật ngữ Sarkhan nhập vào kho từ ngữ của Mỹ về các cuộc can thiệp vào nội bộ nước khác. Sarkhan gợi lên trong người đọc liên tưởng về Thái Lan hoặc Mi-an-ma, nhưng đây là ám chỉ Nam Việt Nam.
Cuốn sách đã gây một cuộc tranh luận sóng gió vào năm 1958. Công luận Mỹ phẫn nộ về những đồng tiền họ đóng thuế được biến thành “viện trợ” phản tác dụng, Quốc hội Mỹ cũng tranh luận quyết liệt về hiệu quả của những chương trình cứu trợ cho nước ngoài. G.Heo-man cho hay, tác động của “Người Mỹ xấu xí” lên chính quyền Ken-nơ-đi (Kennedy) là dai dẳng. Năm 1958, khi còn là Thượng nghị sĩ, Ken-nơ-đi đã mua nhiều cuốn “Người Mỹ xấu xí” vừa được xuất bản, gửi cho tất cả các Thượng nghị sĩ khác. Còn khi làm Tổng thống, Ken-nơ-đi đã thành lập Lực lượng đặc biệt Mỹ và đề ra các chiến thuật chống nổi dậy tại Nam Việt Nam để chống ảnh hưởng của chiến tranh.