Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Vụ Bản, Nam Định. Gia đình bên nội và bên ngoại đều thuộc hàng Nho Học khoa bảng. Là một nhà giáo dục, làm hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn và là giáo sư của nhiều viện đại học tại Việt Nam như Đại học Sư phạm, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ và có nhiều môn sinh thành đạt. Là một nhà văn hóa, ông có nhiều đóng góp vào những công trình giá trị trong mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc và tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác.
Ông đã theo học chữ Hán nhiều năm trong gia đình, học trung học tại trường Thành Chung - Nam Định, trường Bưởi – Hà Nội và tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ông bắt đầu đi dạy học năm 1945 và từ đó đã viết văn, làm thơ đăng báo. Sự nghiệp giáo dục của ông kéo dài đến năm 1975 qua nhiều nơi, nhiều trường từ Bắc đến Nam. Ông đã làm phụ khảo môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho giáo sư Vũ Văn Mẫu - khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn trong những năm đầu khi chương trình học được chuyển đổi từ Pháp ngữ sang Việt ngữ (thời gian năm 1956-1958). Ông là giáo sư của môn kịch nghệ trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn cũng như là giáo sư thực thụ hoặc thỉnh giảng của các Viện Đại Học ở miền nam. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 và đã từ trần năm 2005 tại Quận Cam, Nam California.
Ông đã viết, cộng tác hoặc chủ trương rất nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn và ở hải ngoại. Đặc biệt ông là một trong những nhà văn di cư chủ trương tờ báo Chuyển Hướng và Người Việt trong giai đoạn sau năm 1954 di cư vào Nam cùng với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và sau đó cùng với các nhà văn Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền,… chủ trương tạp chí Sáng Tạo khởi đầu cho một cao trào văn chương bắt đầu cho 20 năm văn học miền nam đầy chất sáng tạo và khai phá.
- Các tác phẩm:
- Khúc hát Gia Trung và Chants D’Ya (thơ Pháp ngữ)
- Chờ Sáng (truyện ngắn)
- Gió Cây Trút Lá
- Bốn Phương Mây Trắng
- Tiểu luận Văn Hóa Giáo Dục (khảo luận)
- Mưa; Trắng Chiều (kịch)
- Ngoài ra ông còn viết các bộ sách giáo khoa cho học sinh trung học như Quốc Văn Toàn Thư và các tập sách giáo khoa cho sinh viên Đại học như: Phương pháp luận về văn học sử, văn thể học, thi ca luận, phê bình luận, các trào lưu văn học tây phương thời hiện đại…