Ấn phẩm "Chữ, Văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc" của tác giả Nguyễn Văn Trung, sách do nhà xuất bản Nam Sơn ấn hành lần thứ nhất năm 1974. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng tốt, sách nguyên bìa gáy, dày 192 trang, ruột đầy đủ trang, chữ in rõ trên giấy màu ngà vàng. Phần dưới mép sách bị sờn một tý nhưng không ảnh hưởng đến nội dung và tính thẩm mỹ của ấn phẩm.
Ở đây, chúng tôi không nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ trước khi người Pháp can thiệp và xâm chiếm Việt Nam, mà chỉ muốn nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ lúc người Pháp đã đặt guồng máy của họ tại Nam Kỳ kể từ khi chữ quốc ngữ vượt khỏi cánh cửa Nhà Chung, họ đạo sang lãnh vực hành chính, học chánh, văn hoá...
Từ trước tới nay, nói về thời kỳ ban đầu này, các nhà biên khảo lịch sử, văn học thường đưa ra một số luận điệu quen thuộc sau:
1. Những Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những người tiên phong của nền văn học quốc ngữ thuở ban đầu.
2. Nhờ những nhà văn tiên phong trên mà chữ quốc ngữ đã đắc thắng chữ Nho, chữ Nôm, đồng thời đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực thuần tuý tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học.
3. Những người trên cũng đã chủ trương những tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên hoặc đã đề xướng việc dịch những tác phẩm cổ văn (Hán, Nôm) ra chữ quốc ngữ.
4. Do đó, những nhà văn hoá trên được coi như những người có công rất lớn đối với nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu: họ được suy tụng như những ông tổ văn học cận đại, những nhà cách mạng vĩ đại...
(Trích lời nói đầu)