Nguyễn Văn Xuân là một học giả, nhà văn và nhà giáo Việt Nam. Ông sinh năm 1921 (Tân Dậu) tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông thuộc thế hệ các nhà văn xuất hiện trên văn đàn từ trước Cách mạng Tháng Tám (1945).
Sau khi rời ghế nhà trường tại Huế (1937), ông bắt đầu cộng tác cho nhiều tờ báo và tạp chí lúc bấy giờ như: Văn Lang, Mới (Sài Gòn), Bạn Dân, Thế Giới Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội)... Tài năng của ông sớm bộc lộ từ những tác phẩm ban đầu với các truyện ngắn: Ngày giỗ cha, Ngày cuối năm trên đảo...
Từ năm 1945 đến năm 1954, ông tham gia phong trào cách mạng ở quê nhà, từng làm Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ liên khu V. Sau năm 1954, ông ở lại Quảng Nam dạy giờ tại các trường tư và tiếp tục sáng tác.
Năm 1955, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Ra tù, ông về quê dạy học và tiếp tục sự nghiệp nhà văn, nhà nghiên cứu.
Sau năm 1975, ông tham gia nhiều công trình sử địa phương như: Hội An, Đà Nẵng, Điện Bàn,... nghiên cứu văn học: thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Phan Khôi…
Đặc biệt năm 2003, tiểu thuyết “Kỳ nữ họ Tống” của ông được tặng giải thưởng (giải A) của Ủy ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Ông qua đời vào lúc 21h30' ngày 04/07/2007 tại Đà Nẵng.
- Các tác phẩm:
- Bóng tối và ánh sáng (truyện ngắn, 1938)
- Ngày giỗ cha (tập truyện ngắn, 1943)
- Ngày cuối năm trên đảo (tập truyện ngắn, 1945)
- Kẻ xu thời (kịch, 1945-1954)
- Bão rừng (tiểu thuyết, 1955)
- Dịch cát (tập truyện ngắn, 1956-1966)
- Khi những lưu dân trở lại (biên khảo, 1967)
- Hương máu (truyện ký, 1969)
- Phong trào Duy Tân (biên khảo, 1969)
- Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (khảo lục, 1971, thất lạc bản thảo)
- Kỳ nữ họ Tống (truyện lịch sử, 2002)
- Nguyễn Văn Xuân - Một người Quảng Nam (27 bài báo với nhiều thể loại, 2010)