Ấn phẩm "Những dị biệt giữa hai nền triết lý đông tây" của tác giả Kim Định, sách do nhà xuất bản Ca Dao ấn hành năm 1974. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy. Sách được bao bìa cẩn thận, dày 128 trang, lõi sách chắc chắn.
Nhan đề sách nói lên phương pháp tỉ giáo mà chúng tôi sẽ áp dụng cho toàn bộ triết lý an vi. Tỉ giáo hay là so đo giữa cái này với cái kia là lối giúp nhiều nhất cho việc nhận thức ra sự dị biệt, cũng như chỗ hay chỗ dở của mỗi bên. Ở đây so sánh hai nền triết lý Đông Tây tức là so sánh Đông Tây ở đợt sâu xa nhất. Vậy mà ngay từ đó cũng đã có khác biệt nhau thì sự dị biệt thuộc cơ cấu chứ không phải chỉ hời hợt có tầng ngoài, cho nên Kipling vẫn có lý khi nói “đông là đông, tây là tây và chẳng bao giờ hai bên đồng một”. Nhưng cũng chẳng nên đồng nhất mà chỉ nên thống nhất tức hòa một, để bổ túc cho nhau đặng tạo ra nền văn hóa nhân sinh phong phú tràn đầy. Không may cho tới nay con người lại đi lối đồng nhất: tây đồng hóa đông, và đông thuận tình đi theo con đường đồng nhất đó. Nhưng đồng nhất là tai họa như chính triết tây đang bị. Vì thế chúng ta sẽ mở ra con đường hòa hợp, thống nhất. Và bước đầu sẽ là nghiên cứu ở đợt cao nhất là triết xem hai bên có những dị biệt nào. Và khi ấy chúng ta mới nhận ra là những nét dị biệt đó lại cần ngay cho triết tây nữa, chứ không riêng gì cho triết đông. Vì thế sẽ mở đầu bằng bài sứ mạng triết đông để nói lên nhiệm vụ cao cả của nó, nghĩa là nó không nên tự coi mình như một môn tri thức suông nhưng là một nghĩa vụ cao cả cần thiết cho con người ở tại vun tưới những nét đặc trưng của triết đông để chữa trị chứng bệnh thiên lệch của thế giới hiện nay là chứng một chiều kích. Vậy những nét đặc trưng đó, những dị biệt đó tóm vào ba mối là vô, động, lưỡng, hay nói rõ hơn là: Giữa hữu với vô, Giữa tĩnh với động, Giữa nhất với lưỡng.
( Trích lời tựa của sách )