Ấn phẩm “Giai nhân kỳ ngộ” của nhà yêu nước Phan Châu Trinh được nhà xuất bản Hướng Dương ấn hành vào năm 1958. Bìa do Hoạ sĩ Tạ Tỵ trình bày. Thơ cảm đề do Thi sĩ TCHYA viết. Cuốn sách đang được lưu giữ tại Quán sách Mùa Thu còn khá tốt. Sách còn nguyên bìa gáy, ruột sách tốt, lõi sách chắc chắn.
“ Giai nhân kỳ ngộ” là một thiên anh hùng ca của cụ Phan Châu Trinh. Năm 1926, cụ Ngô Đức Kế đã in lần thứ nhất ở Hà Nội, nhưng chưa kịp phát hành thì đã bị tịch thu và thiêu huỷ. Bản thảo duy nhất đã được con gái và con rể của cụ bảo vệ suốt hơn 30 năm, đến năm 1958 mới có thể phát hành đến tay độc giả. Cuốn sách này in kèm theo bài viết PHAN TÂY HỒ TIÊN SINH LỊCH SỬ của cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng được viết vào năm 1926. Đọc ba ngàn tám trăm tám mươi câu thơ lục bát kép của “Giai nhân kỳ ngộ”, hẳn người đọc phải ngạc nhiên trước sức viết, khả năng hiểu biết về các sự kiện trên thế giới, cái tài tình khi Việt hoá những nhân danh, địa danh, những không gian, thời gian, những tổ chức, những tước phẩm...cũng bị cụ Việt hoá, cốt để người Việt Nam hiểu, cảm và sống theo khi đọc. Đây là một tác phẩm đồ sộ theo đúng nghĩa đen của nó, một thiên anh hùng ca duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ Phan Châu Trinh đã nêu cao được những đức tính tốt đẹp và những cử chỉ hào hùng của con người các nước. Ở đây, tình người, tình quân tử, cùng thù ghét những gì hèn hạ nhơ bẩn, cùng mê say những gì cao quý tốt đẹp, cùng đặt tình nghĩa lên trên quyền lợi, cùng coi công danh, phú quý, mạng sống nhẹ như lông hồng. Để rồi gặp việc nghĩa thì làm, dẫu có nát thân vì người tri kỷ cũng không một lời ân hận.