PHÙNG HỮU LAN

PHÙNG HỮU LAN

PHÙNG HỮU LAN

Tiến sĩ Phùng Hữu Lan tự là Chi Sinh, sinh ngày 04/12/1895 tại trấn Kỳ Nghi, huyện Đường Hà, tỉnh Hà Nam

Tiến sĩ Phùng Hữu Lan (1895-1990) - tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ) năm 1924 - rực sáng suốt thế kỷ 20 như là một sử gia hàng đầu về triết học Trung Quốc, đồng thời cũng là triết gia hiện đại với học thuyết tân lý học mà ngày nay được gọi là “Phùng học". Học giả Lý Thận của Trung Quốc cho rằng nếu người Trung Quốc biết đến học thuật của phương Tây nhờ các công trình dịch thuật và giới thiệu của Nghiêm Phục, thì người ngoại quốc hiểu được triết học Trung Quốc phần lớn là nhờ Phùng Hữu Lan.

Khi vừa lên 6 tuổi, Phùng Hữu Lan học tư thục. Theo nếp cũ, ông học qua các sách Tam Tự Kinh, Tứ Thư, Thi Kinh, và Địa Cầu Vận Ngôn (môn địa lý phổ thông soạn bằng văn vần). Năm 9 tuổi, ông theo mẹ đến nhiệm sở của cha tại Vũ Xương (bấy giờ cha ông dạy ở Phương Ngôn Học Đường). Ở đây, mẹ ông dạy ông Thư Kinh, Dịch Kinh, Tả Truyện, Lễ Ký; còn cha ông dạy các môn lịch sử và địa lý (do cha ông tự biên soạn).

Năm 1912, ông nhập học lớp dự bị của Đại học Trung Quốc Công Học ở Thượng Hải. Năm 1915, ông học Văn khoa (môn triết học Trung Quốc) tại Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp năm 1918. Năm 1919, ông sang Mỹ du học ở Đại học Columbia.

Mùa hè năm 1923, ông đệ trình tại Đại học Columbia luận văn tiến sĩ nhan đề: Nhân sinh lý tưởng chi tỉ giảo nghiên cứu (Nghiên cứu so sánh lý tưởng đời người) cũng có tên là Thiên nhân tổn ích luận (Luận về sự tổn hại và lợi ích giữa trời với người); ông bảo vệ thành công luận văn này, và tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ triết học (Ph.D.) (1924). Luận văn này – nguyên tựa là “A Comparative Study of Life Ideals” – được Thương Vụ Ấn Thư Quán xuất bản cùng năm 1924.

Ông về nước vào mùa thu năm 1924. Sau đó, ông bắt đầu giảng dạy ở Đại học Trung Châu (1924), Đại học Quảng Đông, Đại học Yên Kinh (1926), Đại học Thanh Hoa. Ở Đại học Thanh Hoa, ông làm Chủ nhiệm hệ Triết học kiêm Viện trưởng Viện Văn học. (Ông làm Chủ tịch Ban Thường Vụ của Đại học Thanh Hoa, từ tháng 12/1948 đến tháng 5/1949).

Cũng từ 1924, dựa theo phương hướng của luận văn Thiên nhân tổn ích luận, ông viết Nhất chủng nhân sinh quan (Một quan niệm về đời người). Cũng năm 1924 này, ông viết lại thành quyển Nhân sinh triết học (Triết học về đời người) để làm tài liệu giáo khoa cho học sinh trung học. Trong sách này, ông xác lập một niềm tin triết học theo chủ nghĩa hiện thực mới (Tân thực tại chủ nghĩa) và kết hợp Lý Học của Trình-Chu với chủ nghĩa hiện thực mới.

Trong thời gian giảng dạy triết học tại Đại học Yên Kinh, ông hoàn tất bộ Trung Quốc Triết học sử (quyển I năm 1931, quyển II năm 1934). Bộ sách này sau đó trở thành sách giáo khoa bậc đại học, như là một cống hiến trọng đại trong việc xây dựng bộ môn khoa học về lịch sử triết học Trung Quốc. Khi Derk Bodde (1909-2003) sang Bắc Kinh du học, ông học Phùng Hữu Lan trong niên khoá 1934-1935 tại Đại học Thanh Hoa. Do tình sư đệ này, Derk Bodde đã lần lượt dịch bộ triết sử nói trên sang Anh ngữ và xuất bản (quyển I năm 1937, quyển II năm 1953).

Từ 1939 đến 1946, ông liên tiếp xuất bản một bộ sách sáu quyển, gọi là «Trinh Nguyên Lục Thư», gồm: Tân Lý Học (1937), Tân Thế Huấn (1940), Tân Sự Luận (1940), Tân Nguyên Nhân (1942), Tân Nguyên Đạo (1945), và Tân Tri Ngôn (1946). Phùng Hữu Lan sáng lập hệ thống tư tưởng Lý Học mới, khiến ông trở thành một triết gia của Trung Quốc hiện đại có ảnh hưởng rất lớn.

Năm 1948, ông tự viết bằng Anh ngữ quyển “A Short History of Chinese Philosophy” – rút ngắn bộ triết sử (hai quyển) nói trên – và nhờ Derk Bodde biên tập lại, xuất bản cùng năm này.

Trong thời kháng chiến, ông làm Viện trưởng Viện Văn học kiêm Giáo sư hệ Triết học của Tây Nam Liên Đại. Năm 1946, ông sang Mỹ làm Giáo sư thỉnh giảng. Cuối 1948 và đầu 1949, ông làm Chủ tịch Hội nghị Hiệu vụ của Đại học Thanh Hoa. Ông được phong tặng là Tiến sĩ danh dự về văn học của các trường: Đại học Princeton (Mỹ), Đại học Columbia (Mỹ), Đại học Delhi (Ấn Độ). Từ 1952, ông làm Giáo sư hệ Triết học của Đại học Bắc Kinh. Ông từng làm Uỷ viên của Triết học Xã hội Khoa học Bộ (Bộ Triết học và Khoa học Xã hội), thuộc Trung Quốc Xã Khoa Viện (Viện Khoa Học Xã Hội của Trung Quốc).

Những năm 1949-1960 là thời kỳ tư tưởng Phùng Hữu Lan chuyển biến lớn. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập năm 1949. Kể từ đó ông buộc phải gác bỏ hệ thống Tân Lý Học của mình qua một bên, rồi nghiên cứu chủ nghĩa Marx và dùng chủ nghĩa này để nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc. Năm 1949, ông có lần gửi thư cho Mao Trạch Đông, ngỏ ý muốn dùng chủ nghĩa Marx mà viết mới lại lịch sử triết học Trung Quốc. Nhưng ông không được trả lời. Tháng 08/1950, giới tân trí thức hưởng ứng phong trào «phê Lâm phê Khổng» (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử), phê phán tư tưởng Nho giáo, «bình Pháp phê Nho» (phê bình Pháp gia và Nho gia); do đó họ bắt đầu đấu tố Phùng Hữu Lan, phê phán tư tưởng của ông, và ông bắt đầu viết kiểm điểm, tự phê bình, sám hối. Phùng Hữu Lan đã thú nhận rằng, hơn 10 năm sau 1949, những gì ông viết ra đều là sám hối. Sám hối những gì ông đã từng viết trước 1949 (trong đó có hai bộ Triết Sử và Trinh Nguyên Lục Thư).

Phùng Hữu Lan trở thành tội nhân ngay buổi đầu của cuộc Văn Cách, tức Đại Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976). Đại nạn của Phùng Hữu Lan chính xác bắt đầu từ tháng 06/1966 (bấy giờ ông 71 tuổi). Ông bị đấu tố, phê bình và bị tịch biên tài sản, bị cách ly để thẩm tra, và bị cưỡng bức lao động cải tạo. Tháng 3 năm 1967, Đại học Bắc Kinh thành lập cái gọi là «Trạm liên lạc để phê bình Phùng Hữu Lan» (Phê Phùng liên lạc trạm). Năm ông 73 tuổi (1968), do có chỉ thị của Mao Trạch Đông, ông được trả về nhà, nhưng tài sản bị tịch biên thì chỉ trả lại có một phần.

Văn Cách chấm dứt năm 1976. Trước đó, ông đã xuất bản được hai quyển đầu của bộ “Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên” (do Nhân Dân Xuất bản xã ấn hành, quyển I năm 1962 và quyển II năm 1964; rồi tu đính và tái bản quyển I năm 1982 và quyển II năm 1984, cùng nhà xuất bản). Kể từ 1979, ông – bấy giờ 84 tuổi và bệnh tật – tập trung viết cho xong bộ sách 7 quyển (gồm 81 chương) này. Các quyển III, IV, V, và VI của bộ Tân Biên lần lượt được Nhân Dân Xuất bản xã ấn hành vào các năm 1985, 1986, 1988, 1989. Gắng gượng chống chọi với bệnh tật ở tuổi già để hoàn tất bộ Tân Biên, ông thường nói: «Bộ Tân Biên chưa xong nên phải gượng uống thuốc trị bệnh; chừng nào viết xong rồi, thì khỏi cần trị bệnh nữa.» Tuổi già mắt kém, suýt mù loà, ông thường tĩnh tọa, thâm hô hấp.

Quyển VII ông bắt đầu viết năm 1988, vừa viết xong vào tháng 07/1990 thì tháng 9 ông bị viêm hô hấp và phải nhập viện. Ngày 04/12/1990, ông qua đời tại bệnh viện Bắc Kinh, thọ 95 tuổi.

 

  • Các tác phẩm:
  • A Comparative Study of Life Ideals (Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1924)
  • Nhân sinh triết học (Triết học về đời người, 1924)
  • Trung Quốc Triết học sử (quyển I năm 1931, quyển II năm 1934)
  • Bộ Trinh Nguyên Lục Thư gồm 6 quyển:
  • Tân Lý Học (1937)
  • Tân Thế Huấn (1940)
  • Tân Sự Luận (1940)
  • Tân Nguyên Nhân (1942)
  • Tân Nguyên Đạo (1945)
  • Tân Tri Ngôn (1946)
  • A Short History of Chinese Philosophy (1948)
  • Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên:
  • Quyển I năm 1962
  • Quyển II năm 1964
  • Quyển III năm 1985
  • Quyển IV năm 1986
  • Quyển V năm 1988
  • Quyển VI năm 1989
  • Quyển VII năm 1990
0972 873 962