Ấn phẩm "Quả dưa đỏ" của tác giả Nguyễn Trọng Thuật, sách do Yiem Yiem ấn hành lần thứ hai năm 1974. Tác phẩm từng đạt giải thưởng văn chương Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách còn nguyên bìa, gáy, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn.
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại nhận xét chung về Nguyễn Trọng Thuật khá tinh tường như sau:
“Nguyễn trọng Thuật là nhà văn có cái chí hướng và lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt nam có cái đặc tính Việt nam. Một tờ hài báo đương thời (tờ Ngày nay) đã đem câu này gán cho ông để giễu cợt: ‘Tôi là người Việt Nam’. Người ta có thể căn cứ vào câu này để kết luận về những tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật: tư tưởng ông như thế, nên những cái gì ông viết, ông cũng muốn cho nó có cái đặc tính Việt Nam.
Riêng độc giả biết về Nguyễn Trọng Thuật nhiều hơn cả qua tác phẩm Quả dưa đỏ. Quả dưa đỏ cũng như Tố Tâm được coi như những truyện dài đầu tiên mang sắc thái của nền văn học mới xây dựng bằng chữ quốc ngữ.
Quả dưa đỏ là một câu chuyện mượn tích cũ trong Lĩnh nam chích quái để chứng minh luận đề cái gì ta được hưởng ở kiếp này là do tiền kiếp, do thiên mệnh, và sự cố gắng của bản thân mà có chứ không phải do người khác ban cho dù là do bậc hoàng đế uy quyền.
Câu chuyện Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu đã được chép trong tập truyện cổ Lĩnh nam chích quái nhưng Nguyễn Trọng Thuật đã hư cấu thêm nhiều chi tiết để biến thành một tiểu thuyết phiêu lưu theo kiểu “Robinson Suisse” (The Swiss Family Robinson) của Johann David Wyss. Tác phẩm của Wyss mô tả một gia đình bị đắm tàu lạc vào hoang đảo (cuốn này trước 1945 đã được nhà văn Nguyễn Xuân Huy dịch ra tiếng Việt) hợp với loại tiểu thuyết phiêu lưu hơn là Quả dưa đỏ như Nguyễn Trọng Thuật xếp loại tiểu thuyết của mình.
Nhận định về giá trị của tác phẩm, bà Phạm thị Ngoạn trong một luận án về Nam phong đã có nhận xét chính xác: “Bố cục theo kỹ thuật tây phương, cuốn tiểu thuyết phiêu lưu này giới thiệu các nhân vật thật điển hình, do đó người ta đã coi như một luận đề tiểu thuyết.
Mặc dù có những đoạn dài như độc diễn khiến cuộc đàm thoại nặng nề, nhưng không ai phủ nhận giá trị văn chương của cuốn Quả dưa đỏ. Tuy thời đó không gây được nhiều tiếng vang và không được coi như khuôn mẫu, cuốn tiểu thuyết này cũng đã vượt xa những tác phẩm khác, vì điển hình cho một loại tư tưởng và một thể văn dung hòa cả tân lẫn cựu.”