Một cuộc trưng bày những quyển sách - bản in đặc biệt sẽ diễn ra tại Đường sách TP HCM từ ngày 25-11, do Quán sách mùa thu chung tay cùng các nhà sưu tập tại TP HCM thực hiện.
|
Quyển Lê mạt sự ký bản đặc biệt với thủ bút của Nguyễn Duy Chính sẽ đấu giá gây quỹ - Ảnh: X.H |
Đây là cuộc gặp nhau của những nhà sưu tập sách, những “tay chơi” lặng thầm nhưng sở hữu được nhiều bản sách quý. “Bản in đặc biệt” là mục tiêu tìm kiếm và “trả giá cao” của bất cứ nhà sưu tập sách nào. Cùng với năm tháng qua đi, bản in đặc biệt càng cổ càng thêm quý.
Đợt triển lãm này chỉ là bước đầu, chưa quy tụ được những bản đặc biệt từ các bộ sưu tập tư nhân phía bắc, nhưng cũng là dịp để công chúng tận mắt nhìn thấy một dòng sách riêng, từng làm nên một thú chơi tao nhã: tìm kiếm, giữ gìn những bản in đặc biệt của sách qua nhiều thế hệ.
Những bản sách quý in giấy dó
Ở nước ta, cùng với sự thay đổi trong lĩnh vực in ấn qua các thời kỳ, khái niệm về “bản in đặc biệt” được hiểu theo nhiều cách. Nhưng tựu trung có thể hình dung đây là những bản in riêng song song với các bản in thường, bản đặc biệt in trên giấy đẹp hơn (đồng nghĩa với đắt tiền hơn), có đánh số thứ tự cho thấy cùng nhan đề ấy có bao nhiêu bản đặc biệt, hoặc có đánh ký tự riêng để tạo dấu ấn cho bản đặc biệt ấy.
Sách in bản đặc biệt thường có chữ ký, dấu triện của tác giả hoặc thủ bút của tác giả đề tặng ai đó, đây cũng là một nội dung tìm kiếm của giới chơi sách.
Do vậy, khác với sách in bản thường, các bản in đặc biệt thường chứa đựng những thông tin kèm theo về đời sống của một bản sách gắn liền với tác giả và những độc giả đặc biệt, nhiều khi là riêng biệt của bản sách ấy.
Chẳng hạn đến với triển lãm lần này, bạn đọc sẽ có dịp chứng kiến một quyển sách đặc biệt in bằng tiếng Pháp, là tập kỷ yếu kỷ niệm 350 năm ngày sinh Alexandre de Rhodes (1591 – 1666), in tại Hà Nội năm 1941 (chỉ in 200 quyển)
Quyển sách này gắn với sự kiện dựng bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes cùng năm đó, nay tấm bia này đã mất, nhà bia cũng không còn, nhưng trong tập sách này còn hình chụp tấm bia ấy. Quyển sách này thuộc diện cực hiếm vì cũng còn lại rất ít.
Hay như một loạt các bản đặc biệt mà giới bạn đọc thông thường chắc chắn chưa có dịp sở hữu: Lều chõng bản đặc biệt in trên giấy dó năm 1941 có chữ ký của tác giả Ngô Tất Tố, được bảo quản tốt, còn nguyên cả hộp.
Quyển Lều Chõng bản đặc biệt in trên giấy dó - Ảnh: Ban tổ chức |
Quyển Việt Nam cổ văn học sử bản in trên giấy dó năm 1942, có chữ ký của tác giả Nguyễn Đổng Chi, đây là công trình quan trọng của học giả họ Nguyễn, sách này lưu lạc dông dài, nhưng được bảo quản tốt.
Quyển Việt Nam cổ văn học sử của GS Nguyễn Đổng Chi bản đặc biệt in trên giấy dó - Ảnh: Ban tổ chức |
Quyển khảo cứu về sự nghiệp Phan Đình Phùng do nhà Đại La in năm 1945, có chữ ký của tác giả Đào Trinh Nhất; bộ Nho giáo hai tập bản đặc biệt in lần đầu, trên giấy dó vào năm 1932...
Ngoài ra sách tiền chiến (trước 1945) bản đặc biệt còn các quyển đáng chú ý như: Đại Việt sử ký toàn thư, Nhượng Tống dịch, in 1945 trên giấy dó, có đánh số; Sử ký Tư mã thiên, bản dịch của Nhượng Tống in năm 1943 trên giấy dó, có đánh số; Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1943-1944, bản giấy dó, có đánh số và có bút tích của tác giả...
Một thời của những bản sách đặc biệt phía Nam
Đợt trưng bày lần này bạn đọc có thể chứng kiến màn “trình diễn” các bản đặc biệt của sách in tại miền Nam trước 1975 như: hai tập thơ của Vũ Hoàng Chương gồm Vân muội, xuất bản 1971, và Thi tuyển Vũ Hoàng Chương, xuất bản 1963, cả hai bản đều có bút tích của tác giả
Quyển Vang bóng một thời bản đặc biệt in năm 1962 - Ảnh: Ban tổ chức |
Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại của Bàng Bá Lân, xuất bản năm 1969, có bút tích của tác giả; Vang bóng một thời in năm 1962, bản đặc biệt của riêng tác giả Nguyễn Tuân; tập thơ Đường vào tình sử của Đinh Hùng, bản đặc biệt in năm 1961có chữ ký và thủ bút Đinh Hùng tặng Nguyễn Đình Toàn; Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, xuất bản năm 1965, in trên giấy tốt, có bút tích của tác giả Phạm Công Thiện...
Đây thực sự là những bản sách quý hiếm, bởi ngay cả giới sưu tập cũng không phải ai cũng có duyên để sở hữu được. Mấy năm gần đây, giới xuất bản bắt đầu có ý thức in lại những bản đặc biệt, và cộng đồng sưu tập cũng chú ý đến những ấn bản “đặc biệt mới” này.
Cuộc trưng bày lần này cũng giới thiệu các ấn bản đặc biệt của Nhã Nam, Đông A, Tao Đàn, Sao Bắc, Phương Nam, DT Books... như một sự kế tục dòng ấn phẩm đặc biệt từng hiện diện rất sớm cùng với kỹ thuật in ấn hiện đại của phương Tây du nhập vào Việt Nam.
Vào lúc 10g ngày 27-11 - ngày cuối cùng của đợt triển lãm, Ban tổ chức sẽ tiến hành đấu giá hai quyển sách đặc biệt, để gây quỹ “Một quyển sách -một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung”: Quyển Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, do Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1966, ấn bản đặc biêt. Quyển thứ hai là Lê mạt sự ký của Nguyễn Duy Chính do DT Books và NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2016; đây là bản đặc biệt - bản Nguyễn Duy Chính, không đánh số, có triện son của tác giả và thủ bút Nguyễn Duy Chính viết hai câu tuyên bố của Lê Quýnh “Ngã bối đầu khả đoạn phát bất khả thế, bì khả tước phục bất khả dịch dã” (bọn ta có thể chịu chặt đầu nhưng không chịu cắt tóc; có thể chịu lột da nhưng không chịu thay kiểu y phục), nói lên không chỉ khí tiết của một trung thần triều Lê mạt, mà còn thể hiện ý thức về nô dịch văn hóa từ hoàn cảnh một vương triều đang điêu đứng. Trước đó cùng ngày, lúc 8g30 tại Đường sách sẽ có buổi tọa đàm “Ấn bản đặc biệt – Nàng thơ của người sưu tập” do những nhà sưu tập cùng ngồi lại trò chuyện và trao đổi về thú săn tìm các bản sách đặc biệt trong các bộ sưu tập của mình. |