Văn là bán nguyệt san văn chương, sáng tác, phê bình, tư tưởng và nghệ thuật được xuất bản theo giấy phép số 64/BTT/ND, cấp ngày 4-12-1963. Sáng lập và chủ nhiệm là Nguyễn Đình Vượng (1912-1974). Ông là một người hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực xuất bản, từng sáng lập và biên tập một số báo khác như nguyệt san Văn Uyển, sau mang tên gọi mới là Tân Văn. Thư ký tòa soạn là Trần Phong Giao (1932-2005). Tòa soạn và trị sự đặt tại số 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn.
Các số tạp chí văn được đóng thành tập hoặc để rời
Số đầu tiên, “Tuyển tập Thơ Văn”, phát hành ngày 1-1-1964. Sau số 210 (15-9-1972) thì Văn không còn là tạp chí đánh số thứ tự nữa mà chuyển sang dạng giai phẩm. Số đầu tiên dưới tên giai phẩm Văn phát hành ngày 28-9-1972. Đến giai phẩm Văn số 57, ngày 26-3-1975, thì dừng. Trong 11 năm hoạt động, tổng số bán nguyệt san là 210 và số giai phẩm là 57, nếu tính cả tủ sách phổ thông, tức một loại các tác phẩm của các nhà văn do Văn xuất bản, thì sẽ có 30 đầu sách nữa, phát hành từ tháng 1-1966 đến 2-1968.
Theo Nguyễn Chí Kham, báo Văn rất được sinh viên yêu thích và nhanh chóng bán hết ngay trong tuần đầu tiên. Mỗi năm có 24 số báo được xuất bản, trong đó có một số báo kép dành riêng cho dịp Tết Nguyên Đán. Số lượng in khoảng 4000 bản mỗi kỳ, và khi xem số cuối cùng thì ta thấy số lượng phát hành là 6000 bản.
Thiết kế trang bìa của tờ Văn từng thay đổi ba lần. Hai lần đầu khi bắt đầu xuất bản, đến lần thứ ba, tức từ số 25, số đặc biệt về Albert Camus, thì logo được giữ cố định là chữ «VĂN» trắng trên nền màu đến số cuối cùng.
Các nhà văn xuất hiện trên các số chuyên đề của Văn
So với tạp chí Văn Học (1962-1975) do Phan Kim Thịnh chủ trương, tạp chí Văn mang tính quốc tế hơn, vì có nhiều số vinh danh các nhà văn nước ngoài.
Trong đó, các tác giả người Pháp gồm Guy de Maupassant (số 12), Jean-Paul Sartre (số 17 và 152), André Maurois (số 19 và 119), André Malraux (số 21), Jacques Prévert (số 23), Albert Camus (số 2 và 25), Francoise Sagan (số 45), Saint-Exupéry (số 48), Simone de Beauvoir (số 78), Marcel Proust (số 85), André Gide (số 94), Stendhal (giai phẩm số 21), và Arthur Rimbaud (giai phẩm số 40).
Các tác giả của các nước châu Âu khác (Đức, Anh, Ý, Nga, v.v..) gồm Stefan Zweig (số 7), Alberto Moravia (số 9), Franz Kafka (số 39 và giai phẩm số 12), Somerset Maugham (số 51), Anton Chekhov (số 53), Graham Greene (số 59), Hermann Hesse (số 70), Boris Pasternak (số 83), Thomas Mann (số 96), Eugene Evtouchenko (số 97), Bertolt Brecht (số 113), Fédor Dostoievsky (giai phẩm số 4), Heinrich Boll (giai phẩm số 5), Luigi Pirandello (số 55), và Alexander Solzhenitsyn (số 130, 163, và giai phẩm số 1).
Các tác giả Mỹ gồm: Steinbeck (số 30), William Faulkner (số 37), Ernest Hemingway (số 41), Richard Wright (số 61),John John Updike (số 65), Tennessee Williams (số 81), Erskine Caldwell (số 88), Carson McCullers (số 103), Norman Mailer (số 116), và một vài người Nam Mỹ: MA Asturias (số 109), Pablo Neruda (số 191), và một số chuyên đề “Các nhà văn Mỹ Châu La Tinh” (giai phẩm số 2).
Các tác giả Nhật Bản gồm có Shintaro Ishihara (số 57), Yasunari Kawabata (số 122 và 140), Akutagawa Ryunosuke (số 167), Sata Ineko (số 183) và Naoya Shiga (số 191). Ngoài ra, có thi hào Ấn Độ Tagore (số 15).
Hiển nhiên, tờ Văn cũng dành nhiều số chuyên đề cho các nhà văn Việt Nam như Bích Khê (số 64), Bùi Giáng (giai phẩm số 15), Tchya Đái Đức Tuấn (số 117 và 159), Đinh Hùng (số 91 và 112), Đông Hồ (số 145 và 186), Hàn Mặc Tử (số 73-74 và 179), Hoàng Đạo (số 107-108), Hồ Biểu Chánh (số 80), Hồ Dzếnh (giai phẩm số 9), Khái Hưng (số 22), Lê Văn Trương (số 29), Nguyễn Bính (số 60 và 189), Nguyễn Đình Vượng (giai phẩm số 37), Nguyễn Đức Quỳnh (giai phẩm số 39), Nguyễn Gia Thiều (giai phẩm số 19), Nhất Linh (số 14 và 156), Phạm Duy Tốn (số 169), Quách Tấn (số 161), Tản Đà (số 35, 60 và 175), Thạch Lam (số 36 và 60), Thanh Tâm Tuyền (giai phẩm số 24), Triều Sơn (số 34), Võ Hồng (giai phẩm số 32), Võ Phiến (giai phẩm số 42), Vũ Khắc Khoan (giai phẩm số 22), Vũ Trọng Phụng (số 67) và Y Uyên (số 129).
Những nhà văn từng viết cho Văn
Rất nhiều nhà văn và nhà thơ đã từng có tác phẩm đăng trên Văn. Nhiều nhất là Duy Lam, Duyên Anh, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Viên Linh, Võ Hồng, Vũ Hạnh, và Y Uyên.
Ngoài ra còn có của Vũ Hoàng Chương, Ðông Hồ, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, linh mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Vĩnh Lộc, Văn Quang, Phan Du, Võ Hồng, Ðặng Tiến, Trần Thiện Ðạo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Ðình Lưu, Tuấn Huy, Ðỗ Quí Toàn, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Thanh Nam, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Ký, Trần Dzạ Từ, Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, cùng một số tác giả khác.
Bài của Huyvespa ảnh của Quán sách Mùa Thu
Tại Quán Sách Mùa Thu đang lưu giữ và trưng bày hơn 170 số có tình trạng rất tốt. Quý anh chị muốn sưu tầm vui lòng liên hệ:
ĐT và Zalo: 0972 873 962
Hoặc truy cập vào links để sưu tầm các loại báo và tạp chí khác:
https://quansachmuathu.vn/bao-tap-chi