Ấn phẩm "Thi nhân Việt Nam" của tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân, sách do nhà xuất bản Hoa Tiên ấn hành năm 1969. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách nguyên bìa gáy, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn. Sách dày 410 trang.
Năm 1942, văn đàn Việt Nam rộn ràng đón nhận tập phê bình văn học Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đây là cuốn sách hợp tuyển vừa là nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và bài thơ có giá trị trong khoảng thời gian khoảng 1932-1941, khi mà phong trào Thơ mới đang rộ nở và sắp đi vào kết thúc.
Cuốn sách ra đời đúng vào thời điểm xuất hiện các nhà thơ mới ưu tú nhất của thời kì này như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Anh Thơ,… và hàng loạt tập thơ nổi bậc của phong trào thơ mới cũng rầm rộ xuất hiện và nhanh chóng nhậ lấy sự đồng cảm của người đọc. Chưa bao giờ người ta thấy trên văn đàn Việt Nam “trăm hoa đua nở” mạnh mẽ đến như vậy. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận xét về thời kì này: “Thơ mới khi ra đời như kỳ hoa dị thảo mọc lên một cách hoang hóa từ khắp rừng núi. đồng bằng, đô thị Việt Nam”.
Trong bối cảnh đó, quyển Thi nhân Việt Nam ra đời đáp ứng nhu cầu tìm đọc, cảm nhận và phê bình của người đọc về một giai đoạn thơ rực rỡ của dân tộc. Hoài Thanh, Hoài Chân đã mất rất nhiều công sức đọc và tìm ra trong hàng vạn bài thơ của hàng trăm tập thơ và những bài thơ in rải rác trên các báo, thậm chí là thơ chép của các thi sĩ để tìm ra những tinh hoa và thâu tóm lại trong một tuyển tập phê bình đặc sắc.
Thi nhân Việt Nam đã nhìn nhận và phê bình tỉ mỉ 46 nhà thơ và 169 bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Riêng đối với thi sĩ Tản Đà, tuy thuộc về lớp thi sĩ tiền nhưng đã có những đóng góp to lớn thời kỳ đầu của phong trào nên được Hoài Thanh trân trọng sắp xếp đầu tiên. Tuy nhiên nhìn nhận về “cái mới” trong thơ Tản Đà cho đến tận ngày nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Ở mỗi tác giả, Hoài Thanh, Hoài Chân đã rất công phu, tỉ mỉ ghi nhận thật sâu sắc, giúp người đọc xác định rõ rằng quan điểm và định hướng tiếp cận. Có thể nói, Thi nhân Việt nam đã mở rộng cửa thơ dẫn lối người đọc vào khu vườn thi ca bát ngát hương hoa và màu sắc. Người đọc vô cùng thú vị khi phát hiện ra cái hay, cái đẹp của thi phẩm mà nhà phê bình đã khơi lộ, chỉ dẫn. Đọc Thi nhân Việt Nam ta như bắt gặp những nhà thơ ngay trên con đường thơ, cùng nhau chuyện trò, chia sẽ, đồng mộ và đồng điệu.