Ấn phẩm "Thiền học Việt Nam" của tác giả Nguyễn Đăng Thục sách do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành 1966. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, ruột dày 483 trang, chữ in rõ, mực không nhòe, lõi sách chắc chắn.
Văn hóa vốn là sản phẩm tinh thần nhân loại trong sự điều hòa thích ứng với hoàn cảnh địa lý lịch sử để sinh tồn. Nó là sản phẩm tập thể của loài người, chỉ có thể sinh sống và phát triển trong đoàn thể, trong nhân quần xã hội. Bởi vậy mà một đoàn thể người đã có địa bàn sinh hoạt riêng biệt, có một lịch sử tranh đấu lâu dài với ý thức độc lập thì ắt phải có sáng tạo văn hóa với một tinh thần thích hợp cho điều kiện thực tế sinh tồn của nó. Cái tinh thần văn hóa ấy không phải tự trên trời mờ mịt rơi xuống, mà phải tự dưới đất mọc lên, ví như bông hoa hay trái quả chỉ có mầu sắc hương vị đặc biệt của khí hậu hay thổ ngơi sản sinh ra nó.
Thiền học chính cũng là một đặc trưng văn hóa do điều kiện sinh tồn đặc biệt của nhân loại cõi Lĩnh Nam, đất Giao Chỉ chỗ các trào lưu văn hóa ngưng tụ. Hay là như nhà khảo cổ học Olov Jansé trong "Viện Đông Phương Bác Cổ" (E.F.E.O) đã mệnh danh cho tập "Việt Nam Carrefour de Peuples et de civilisations" (France-Asoe-Tokyo) "Việt Nam, ngã tư các dân tộc và văn minh".