Ấn phẩm “Thơ vịnh Kiều” do tác giả Nguyễn Văn Y sưu tập, bìa do họa sỹ Nguyễn Đồng trình bày, sách được nhà xuất bản Lạc Việt ấn hành năm 1973. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, bìa gốc, sách dày 567 trang, ruột đầy đủ, lõi sách rất đẹp, không bị rách, nhăn, mối, mọt.
Tác giả Nguyễn Văn Y trong suốt sự nghiệp báo chí của mình đã có cơ hội tìm hiểu kĩ truyện kiều, đầu tiên là để tìm phục vụ cho nghề nghiệp, sau ông đã thực sự say mê ngòi bút của cụ Nguyễn Du nên bao nhiêu sách báo có nói về truyện Kiều ông đã tìm tòi, mang về đọc. Trải qua thời gian, thêm nhiều trải nghiệm và hiểu biết, ông đã hiểu và thấm thía cái nỗi “đoạn trường” trong truyện Kiều, thấy thán phục ngòi bút tài hoa lỗi lạc của bậc đại thi hào Nguyễn Du. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã ghi chép được hàng trăm bài thơ vịnh truyện Kiều của hàng trăm văn nhân thi sĩ từ Bắc chí Nam. Bởi vậy, ông đã cho xuất bản tuyển tập này, với niềm mong mỏi rằng nó sẽ có ích cho những ai muốn tìm hiểu về truyện Kiều, về những ý nghĩ của con người Việt Nam đối với một tác phẩm lớn đã đi sâu vào mạch sống dân tộc, vào tiếng nói quê cha đất mẹ.
Nhan đề của cuốn sách là “Thơ vịnh Kiều”, tác giả đã đặt đề tựa như vậy để nhan đề cuốn sách trở nên dễ hiểu, ngắn gọn và gần gũi. Nội dung của cuốn tuyển tập này ngoài các thể thơ như Đường luật, Lục bát, Hát nói, còn có cả lối Phú, Văn tế, Nói lối, các điệu ca Hành vân, Tứ đại, Phụng hoàng...Tác giả của những bài vịnh này, có người vì cảm văn chương truyện Kiều mà sáng tác. Có người vịnh Kiều cốt để chửi xéo, mỉa mai kẻ khác. Có người dụng ý gửi gắm tâm sự thầm kín của mình. Có người lại muốn đến cập đến một hoàn cảnh lịch sử nào đó...Tuy mỗi người một ý, nhưng điều đó thể hiện rằng Kiều đã thật sự đi vào cuộc sống, vào tiếng nói của người dân ta, có lẽ bởi thế cho nên Kiều còn là tiếng mình còn, tiếng mình còn là nước non mình còn.