Ấn phẩm "Tìm về cội nguồn chữ Hán - Gồm nhiều từ đã gia nhập vào kho tiếng Việt" của tác giả Lý Lạc Nghị do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 1997. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có chữ ký tác giả và được bảo quản trong tình trạng đẹp. Sách còn nguyên bìa gốc, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn, gồm 1247 trang.
"Sự tiếp xúc giữa tiếng Hán và tiếng Việt diễn ra từ thời xưa, cho nên vấn đề vay mượn rất phức tạp. Hiện nay ta thấy trong tiếng Việt có những từ gốc Hán mượn qua con đường chính thức (qua sách vở) và không chính xác (qua tiếp xúc giữa hai dân tộc). Cũng có những từ vay mượn thông qua một tiếng thứ ba (chẳng hạn tiếng Thái mượn tiếng Hán và tiếng Việt lại mượn từ tiếng Thái gốc Hán). Mặc dù chưa xác định được nhiều, vấn đề vay mượn không có một chiều mà có hai chiều: tiếng Hán cũng đã mượn không ít từ ngữ của các ngôn ngữ Nam Á trong đó có tiếng Việt.
Tiếng Hán nhập vào tiếng Việt nhiều hơn cả vì một lí do đơn giản là tiếng Hán có chữ viết từ rất lâu. Vốn từ gốc Hán được tiếng Việt vay mượn nhiều nhất và rõ ràng nhất là lớp từ vay mượn thông qua con đường sách vở với cách đọc âm Hán Việt. Cách đọc đó bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường mà cụ thể là âm Đường sang từ Giao Châu vào khoảng thế kỷ VII-IX. Sau khi Việt Nam giành được độc lập, cách đọc theo âm Đường đó, đã dần dần biến dạng đi, dưới tác động của qui luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử trong tiếng Việt tách xa hẳn cách đọc của người Hán để trở thành cách đọc riêng của người Việt.
- Trích Lời nói đầu