Tập bản thảo "Tìm lại hương xưa qua nghệ thuật Hát Bội" là tập bản thảo chưa in thành sách của soạn giả Võ Duy Khoan, được soạn năm 1972. Tập bản thảo dày 350 trang, được in dạng roneo, bên trong sách có rất nhiều minh họa, từ minh họa vẽ mực đen tới minh họa vẽ màu nước. Đây là tập bản thảo rất có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật Hát Bội, bởi các tài liệu về Hát Bội xưa nay vốn không nhiều. Tác giả Võ Duy Khoan là con trai của nhà văn Cung Khanh (tác giả truyện cách ba ngàn năm).
Thường nói đến Hát Bội, gần như đa số người đều quan niệm rằng, Hát Bội chẳng qua là Hát Tàu, hay nói với giọng khinh khỉnh một loại hát lòe loẹt đượm màu sắc Tàu quốc
Chẳng những thế số người ấy lại còn viện dẫn nhiều lý do minh chứng: Nào là câu văn, nào là giọng hát, nào lag điệu bộ cho chí đến trống nhạc toàn thứ ô hợp cổ thời Trung Hoa.
Thật không hiểu họ đã dựa vào những tiêu chuẩn nào để vội đánh giá trị như thế. Mỉa mai thay và bất hạnh thay cho ban Hát Bội, cho nền nghệ thuật cầm ca cổ truyền Việt Nam.
Do những điểm sai lệch đó mà cuốn sách này được thành hình, với mục đích nhỏ nhoi làm sao đánh tan được thành kiến lầm lẫn ấy và lưu ý người có trách nhiệm sớm ý thức trước sự mai một của nghệ thuật này...