Trang Tử (369-286 TCN), có tên là Mông Lại, Mông Trang hay Mông Tẩu, là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.
Sử gia Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: "Trang tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)" sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Nhưng điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú.
Cũng theo Tư Mã Thiên, Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử. Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão - Trang.
Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến "Trang Chu mộng hồ điệp" như một huyền thoại.
Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là "sách Trang Tử". Các bản dịch Nam Hoa kinh tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay là của Nhượng Tống, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Tôn Nhan. Mỗi dịch giả một văn cách, phiêu diêu có, cao nhã có nhưng cốt yếu thì chỗ nhất quán trong tư tưởng của Trang Chu vẫn được tuyệt chú.
Kế thừa truyền thống của triết học cổ Trung Quốc, nguyên tắc trình bày quan điểm triết học của Trang Tử là "có lời vì ý, được ý quên lời". Vì vậy, tư tưởng triết học của ông được biểu hiện một cách đơn sơ lại huyền hoặc, nửa sáng, nửa tối, cảm nhận được nhưng không thể diễn đạt bằng lời mà phải bằng chiêm nghiệm thực tế. Trang Tử - mặc dù rất có công trong việc mài dũa viên ngọc "đạo" của Lão Tử nhưng hết sức đề cao sự thực hành bằng chính bản thân cuộc sống theo "đạo" (nguồn sống, đạo sống) hơn là việc suy ngẫm nhưng triết lý thâm trầm về đạo.
Biệt tài kể chuyện ngụ ngôn của Trang Tử khiến ông không những xứng đáng là một triết gia mà còn là một tác gia văn học với hàng ngàn tỉ dụ trong văn chương. Vì thế, ông còn được xem là ông tổ của phái văn học u mặc trào lộng của nước Tàu từ xưa đến nay.
Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người "thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn" để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Cuộc đời của Trang Tử gắn liền với giấc mơ bướm huyền thoại, gắn với vô số những trùng ngôn, ngụ ngôn sinh động, hấp dẫn. Các học giả khi nghiên cứu về Trang Tử đều cho rằng "khó có thể hiểu và trình bày đầy đủ, hệ thống triết học của ông".
- Các tác phẩm:
- Nam Hoa kinh (Nam Hoa chân kinh)