Ấn phẩm “Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hoà” của Lê Quang Nghiêm được tác giả ấn hành 1970. Đây là bộ biên khảo đã đạt Giải I Biên Khảo 1969 Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, sách nguyên bìa gáy, dày 208 trang, đầy đủ trang, lõi sách chắc chắn.
Cuốn “Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa” của ông Lê Quang Nghiêm. Đây không hẳn là một công trình khảo cứu công phu những là một tài liệu có giá trị lớn. Giá trị ở chỗ tác giả đã đi và sống với các ngư phủ để tìm hiểu về những phong tục đặc biệt của những người sống và chết với biển cả. Tác giả đã chứng tỏ một tinh thần thận trọng cần thiết cho những người muốn đi vào nẻo đường sưu khảo. Những tài liệu mà tác giả đã đưa ra không chỉ là những tài liệu gián tiếp, sao chép ở những sách vở khác, hay chỉ dựa vào những lời khẩu truyền không đáng tin cậy. Những gì ông chia sẻ là những điều đã đọc, quan sát và trải nghiệm thực tế để sát thực, kiểm chứng.
“Ngày xưa, ngư phủ Việt Nam định cư suốt miền duyên hải Trung phần tại những vùng đất hoang vu, trước mặt là biển khơi bát ngát, sau lưng là dãy Trường Sơn chập chùng chạy dài từ Bắc chí Nam với nhiều rừng rậm âm u.
Ngoài nghề đánh cá biển là sinh kế chính, họ còn khai phá đất hoang, rừng nhỏ ở ven biển và đồi thấp để trồng tỉa bắp, khoai, sắn phòng khi đói kém, trồng dừa lấy vỏ khô đập thành sợi, đan lưới, hoặc tạo một mảnh vườn nho nhỏ xung quanh nhà và chăn nuôi một ít gia súc.
Đem sức người chống thiên nhiên, với đức tính cần cù nhẫn nại, đời sống của họ vốn nhiều vất vả hơn an nhàn, vì những khó khăn và nguy hiểm luôn đe doạ.
Tục ngữ “Cọp Khánh Hoà, Ma Bình Thuận” chứng minh hổ loạn đe doạ khủng khiếp đời sống của đồng bào tỉnh Khánh Hoà thời xưa.
Là một dân tộc tôn sùng đạo Phật, đạo Khổng do người Tàu truyền bá trong nhiều thế kỷ và sau này còn bị trong lãnh vực huyền bí về bùa phép, ếm đối của người Chiêm Thành, nên ngư phủ Việt Nam có nhiều tục lệ thờ cúng rất phức tạp với những phương thức đặc biệt và quái lạ mà họ luôn tin tưởng nhiệt thành.
Những vị Thần linh hữu hình và vô hình mà ngư phủ tôn thờ từ xưa đến nay gồm có:
- Các vị Hiền Thần (Thành Hoàng)
- Những linh vật hiền lành được các Triều Vua Việt Nam sắc phong.
- Những thần linh vô hình, những hung thần các quỷ do thầy cúng, thầy pháp y bày vẽ, hoặc do bùa phép ếm đối của người Chiêm Thành.
- Những linh vật hung ác.
- Những kẻ khuất mặt là người cùng nghề có đức độ uy tín, công lao với địa phương, đã chết vì nghề nghiệp, hoặc những người chết bất đắc kỳ tử tại địa điểm làm ăn của họ.
- Những bất động ngẫu nhiên có sự linh thiêng”