Văn Cao, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao (15/11/1923 – 10/07/1995) là một nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, chiến sĩ biệt động ái quốc người Việt Nam. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca - quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời ông cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.
Ông sinh ra tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là “Buồn tàn thu” vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như “Gió núi”, “Gò Đống Đa”, “Anh em khá cầm tay”. Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, được coi là bài thơ đầu tay.
Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền - và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943, 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”.
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13/08/1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao động.
Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của công an Liên khu và viết báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tháng 3 năm 1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948), “Tiến về Hà Nội” (1949)... và đặc biệt là “Trường ca Sông Lô” năm 1947.
Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Tháng 2 năm 1956, bài thơ “Anh có nghe không” được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Văn Cao cùng các nghệ sĩ của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương đòi hỏi tự do văn nghệ, sáng tác. Đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo đều bị đình bản.
Những năm sau đó, Văn Cao tiếp tục bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm... Giai đoạn này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác. Đến cuối năm 1975, Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên”.
Theo những người thân và bạn bè kể lại thì sức khỏe của Văn Cao suy yếu nhanh trong những năm cuối đời. Ông không còn ăn được cơm mà chuyển sang ăn bột ngũ cốc do các cơ quan nội tạng bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bỏ được thú vui uống rượu có từ thời trẻ.
Văn Cao qua đời khi đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội vào ngày 10/07/1995. Theo các phương tiện thông tin đại chúng thì nguyên nhân của điều này là do tuổi cao và cơn bạo bệnh ung thư phổi quái ác.
- Các tác phẩm:
- Những người trên cửa biển (trường ca thơ)
- Thời gian
- Trôi
- Năm buổi sáng không có trong sự thật
- Phố phái
- Có lúc
- Đường rừng
- Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (bài thơ)
- Ai về Kinh Bắc (1941)
- Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (bài thơ, 1945)
- Anh có nghe không (bài thơ, 1956)
- Một đêm Hà Nội
- Những ngày báo hiệu mùa xuân
- Khuôn mặt anh em (1974)
- Ba biến khúc tuổi 65 (1988)
- Lá (tập thơ, 1988)