Ấn phẩm "Văn chương truyện kiều" của tác giả Nguyễn Bách Khoa, sách do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành lần thứ hai năm 1950. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng tốt, sách dày 166 trang, lõi sách đẹp, chữ in rõ, mực không bị nhoè.
Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không “lặp lại” cái lối phê bình văn chương Truyện Kiều mà các nhà văn học xứ ta vẫn thường dùng mỗi khi nói đến cái hay cái đẹp của Truyện Kiều. Bạn đọc nào chờ gặp ở những trang sau đây sự phân tách một âm điệu du dương hoặc sự giải thích một hình ảnh tuyệt mỹ, một cách tả tình tả cảnh đặc sắc, sẽ bị thất vọng. Thiên hạ đã phân tách, đã giải thích như vậy kể bao nhiêu năm nay rồi mà ngày nay nào đã ai “hiểu” được “cái hay”, “cái đẹp” của Đoạn trường tân thanh? Học giả uyên bác như ông Đào Duy Anh mà khi viết cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều cũng đã phải thú nhận rằng: “Cái hay của Truyện Kiều không ai là không cảm thấy. Nhưng hiểu biết cho hết cái hay ấy là một điều rất khó mà giải thích cho ra hết cái tinh vi uẩn ảo ấy là một điều khó nữa”.
Thông thái đến như nhà tri thức Nguyễn Mạnh Tường mà cũng băn khoăn không hiểu “tại sao quyển Kim Vân Kiều chứa chan thi vị và tại sao thi vị đó rất hợp với tâm hồn người Việt Nam chúng ta” (Thanh Nghị số 92). Sự “không hiểu” ấy có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là một phương pháp phê bình phù phiếm. Nguyên nhân thứ hai là một quan niệm duy tâm về nghệ thuật, về nghệ sĩ.
Theo phương pháp phê bình phù phiếm, nhiều nhà văn học đã phân tích quá ư tỉ mỉ cái khéo của Nguyễn Du về sự dùng chữ, dùng điển, dùng hình ảnh, về cách tả cảnh, tả tình, tả người, tả tâm lý, về phép chuyển mạch, phục thể… Họ không hiểu rằng tất cả những phương sách kỹ thuật (procédés techniques), tiểu xảo ấy không phải là cái xương sống của nghệ thuật Truyện Kiều. Không chịu đào sâu sự nghiên cứu xuống tận “huyệt” cái đẹp, cái hay của tác phẩm, họ đã lẫn hoa tươi lá xanh của cây với nhựa sống của cây và mầu đất của nhựa sống ấy. Cho nên họ chỉ làm công việc của một giáo sư chứ không phải công việc của nhà phê bình lấy văn nghệ làm một khí cụ để vun sới tinh thần, đào luyện, mỹ cảm.