Ấn phẩm "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân do nhà xuất bản Cảo Thơm tái bản năm 1962. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách gồm áo ngoài, bìa và gáy còn nguyên vẹn, ruột sách sạch sẽ, giấy trắng, dày và đầy đủ trang.
Đối với Nguyễn Tuân, “đã là văn thì trước hết phải là văn”. Văn phải đẹp, phải trau chuốt. Cái đẹp ấy đã chi phối cách nhìn của tác giả trên toàn bộ tác phẩm.
Con người và sự vật, qua ngòi bút Nguyễn Tuân, đều được khai thác trên phương tiện mỹ thuật và tài hoa nghệ sĩ. Vang bóng một thời là cái đẹp váng vất u buồn của một thời xa vắng. Là cái đẹp của một hành trình đầy hoài vọng và duy mỹ của Nguyễn Tuân.
Ông cũng từng viết: "Chúng ta vẫn đắm đuối với nghề Iàm văn, ngày càng chuốt thêm văn tự, ngày càng làm óng tốt dẻo bền hơn lên nữa cái tiếng nói Việt cổ truyền của mình". Với ý thức cao như vậy, nên ông luôn "tự học" để trang bị cho mình vốn ngôn từ phong phú, giàu có, để sử dụng một cách thoải mái trong lúc hành nghề. Ngôn từ của ông khoan thai, nhẹ nhõm, cứ từng bước một tự nhiên cuốn vào tâm trí độc giả.
Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân tìm về những nét đẹp đẽ của thời quá vãng để hoài niệm và tái tạo lại. Những cảnh uống trà, tặng chữ, gội đầu, ăn cơm, thưởng trăng... đều được đặc tả lại bằng một hệ thống ngôn ngữ đậm chất phong lưu, cao nhã, khiến độc giả có cảm giác thanh tịnh, tinh khiết. Từng câu chữ được lựa chọn, được chắt lọc hết sức tinh tế. Văn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, vì thế có sức lay động rất lớn.
Tác phẩm Vang bóng một thời được xem như là một tác phẩm gần như hướng đến sự toàn thiện, toàn mỹ. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ cảm nhận được những nếp sống cũ, những nét nghệ thuật cổ thanh cao của một nền văn minh xưa cũ và có chút tiếc nuối cho những cái đẹp.