Ấn phẩm “Việt Nam ca trù biên khảo” do hai cụ Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề biên soạn, bìa do họa sĩ Tạ Tỵ trình bày, Sách được tác giả tự ấn hành năm 1962 tại nhà in Văn Khoa. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu là bản in lần thứ nhất, có tình trạng đóng bìa còn bìa gốc và ruột sách rất đẹp, lõi sách chắc chắn.
Sách được đóng theo lối Passé carton bọc da tự nhiên, nhũ mạ gáy thủ công bằng vàng 24k. Giấy bìa được làm thủ công.
Sách được thực hiện bởi đội ngũ Little Cats Bookbinding.
--------------------------------
Một lối chơi phong lưu tao nhã, trải qua các triều đại từ trong cung cấm phổ biến ra chốn dân gian, tạo nên những áng văn chương tuyệt bút, rút cục rơi vào đồi truỵ lãng quên: đó là quá trình diễn biến của ca trù Việt Nam. Rất may nhờ sự phát triển của nền quốc học, chương trình Trung học hiện nay đã dành một chỗ ngồi danh dự cho những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà.
Nhưng hát nói không phải là tất cả của ca trù Việt Nam, cũng như khuôn mặt không phải là tất cả của con người. Hát nói chỉ là một thể ca trù được các tao nhân mặc khách ưa chuộng nhất, vì thế đã được lưu lại những áng văn chương bất hủ. Ở con người, nếu chú trọng sửa sang khuôn mặt quá nhiều, sẽ không còn thời giờ nghĩ tới chân tay, tới đức hạnh. Về ca trù cũng vậy, trước kia các văn gia chỉ ưa chuộng hát nói, sau này sách báo cũng chỉ nghiên cứu về hát nói, nên các thể ca trù khác lần lần bị suy tàn đi. Người ta dường như quên mất rằng ngoài hát nói ra, ca trù còn tới hơn 40 thể khác. Ở cuốn sách này, độc giả sẽ được tìm hiểu về các mặt của ca trù.
Cuốn sách này gồm có hai phần:
Phần thứ nhất:
Chương I: Ca trù lược khảo: nói rõ nguồn gốc ca trù và ca vũ của ta có từ đời nào, rồi sau biến chuyển ra sao, ca trù có bao nhiêu lối hát điệu múa để các bạn thích khảo cổ đỡ mất công tìm tòi kê cứu.
Chương II: Những truyện ả đào lưu danh sử sách và các vị tiền bối hay nghe hát: biên chép trong dã sử, hoặc phân tích, hoặc gia phả các nhà, có nhiều truyện oanh liệt và ly kỳ
Phần thứ hai:
Chương I: Ca trù hợp tuyển: chú giải trên hai trăm bài hát nói. Bên cạnh những tác phẩm của cổ nhân, độc giả cũng sẽ được tiếp xúc với những tác phẩm hiện đại.
Chương II: Tiểu truyện tác giả: chéo theo thứ tự niên kỷ. Ngoài những chuyện ghi trong chính sử, tác giả còn chép thêm những giai thoại khẩu truyền, hoặc những điều trong dã sử ghi lại.