Ấn phẩm "Việt Nam phong tục" của tác giả Phan Kế Bính, sách do nhà xuất bản Phong Trào Văn Hóa ấn hành năm 1971. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, ruột đẹp, sách dày 362 trang, ruột đầy đủ, lõi sách chắc chắn.
Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen; hoặc bởi ở phong thổ và cách chính-trị, cách giáo-dục trong nước mà thành ra; hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có những tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được.
An-Nam ta kể từ lúc có nước đến giờ thì đã có ngoại 4.000 năm. Song về đời Hồng-Bàng thì còn là một nước tối cổ, tục khi đó hẳn cũng như Mường Mán bây giờ. Kế đến hồi Tàu sang cai trị, thì những văn-minh của Tàu, mới dần dần mà truyền bá sang nước ta. Bây giờ ta mới có học hành, có giáo hóa, thì phong tục ta cũng mở mang thêm ra ít nhiều. Từ đời Ngô-Quyền gây nền độc lập, rồi kế đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu-Lê, cho chí Nguyễn-triều ta, nước ta đã thành ra nước tự-chủ; mà trong cách chính-trị, cách giáo-dục, điều gì cũng là noi của Tàu, cho nên phong-tục ta bây giờ, phần nhiều do ở Tàu mà ra cả.
Nay nhờ có nhà nước Đại-Pháp bảo-hộ, đem những thói văn-minh Âu-Tây mà rải rác sang nước ta. Ta ngoảnh lại mà xem những tục cũ thì tỏ ra nhiều điều ngày trước là hay mà bây giờ hóa ra hủ bại lắm rồi.
Đó cũng không phải là tổ-tiên ta khi trước có vụng-dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một từng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế.
Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc-túy của ta thì cứ giữ lấy.
Song muốn biết tục nào hay tục nào dở thì lại phải xét tự gốc tích cái tục ấy. Vậy tôi tưởng nên kê cứu cho biết cái nguyên ủy những phong tục của mình, và xem những tục mới có điều gì nên theo, thì bàn tham bác vào để chờ có khi mà thay đổi được chăng. Dưới nầy tôi sẽ phân ra từng chương, từng điều, theo thứ tự, từ trong gia-tộc đến hương-đảng rồi ra đến xã-hội mà kể lần lần từng điều. Điều nào có sự-tích gì cũng xin kể cả. Những đây là tôi hãy cứ những sự mắt trông thấy, tai nghe tiếng, mà đem cái thiên kiến bày tỏ ra, không dám chắc là đã cai quát hết.
Còn mong những bực cao minh bổ thêm cho những điều bất-cập thì may lắm.
(Trích lời tựa)