ĐẠI VIỆT TẠP CHÍ

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: DAIVETTAPCHI
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà xuất bản: Đại Việt
Năm xuất bản: 1918
Số trang: 15 số liên tiếp

Giới thiệu sách

Lịch sử báo chí quốc ngữ Việt Nam được mở đầu với sự ra đời của tờ Gia Định báo (1865). Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó cho đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, số lượng các tờ báo ấn hành trong cả ba kỳ không quá hai chục. Số lượng tờ báo có quá trình tồn tại lâu dài lại càng hiếm. Với đặc thù là thủ phủ của thuộc địa Nam Kỳ, Sài Gòn là trung tâm hoạt động của các trí thức am hiểu quốc ngữ thời kỳ đầu, cũng là nơi ra đời nhiều tờ báo quốc ngữ vào loại sớm. Tại miền Tây Nam Kỳ, việc phổ biến quốc ngữ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng đến thập niên thứ hai của thế kỷ XX, các tờ báo quốc ngữ đầu tiên cũng đã xuất hiện. Hai tờ báo sớm nhất xuất bản ở miền Tây là tờ An Hà báo phát hành ở Cần Thơ (1917) và Đại Việt tập chí (1918) ra đời ở Long Xuyên.

Về tên gọi của tờ báo này, nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đều gọi là Đại Việt tạp chí. Nhưng qua đọc các ghi chép đương thời trên sách vở và báo chí thì thấy mọi người (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Cư, Lê Bác Ái, …) đều gọi là Đại Việt tập chí một cách có chủ đích. Nhất là ông Lê Bác Ái trong bài báo của mình đã phân biệt rõ Đông Dương tạp chí và Đại Việt tập chí. Do đó, tôi cho rằng, cũng giống trường hợp cuốn Đường kách mệnh hoặc Nông cổ mín đàm, phải gọi tờ báo này là Đại Việt tập chí thì mới đúng.

Theo Sơn Nam, Đại Việt tập chí ra hàng tháng, bắt đầu từ năm 1918. Tờ báo này là cơ quan chính thức của Long Xuyên khuyến học hội. Ban biên tập gồm có Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng và Lê Thường Tiên. Ở một sách khác, ông nói rõ: người chủ trương là Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh). Trần Nhật Vy cũng cho rằng Đại Việt tập chí do Hồ Biểu Chánh điều khiển. Báo thu hút nhiều cây bút nổi tiếng như Đặng Thúc Liêng, Lê Thúc Thanh, Nguyễn Đình Chi …

Đến nay, chưa thấy một số báo nào của Đại Việt tập chí được công bố, do đó, nhiều vấn đề liên quan đến tờ báo này vẫn còn chưa được hiểu rõ. May mắn là vào năm 1918, Phạm Quỳnh – chủ bút báo Nam Phong – có chuyến du lịch vào Nam Kỳ. Phạm Quỳnh cũng đã xuống Long Xuyên, thăm và nói chuyện với hai người có trách nhiệm trong Đại Việt tập chí là Nguyễn Văn Cư và Lê Quang Liêm. Phạm Quỳnh cho biết: “Nguyên báo Đại Việt là tự quan Phủ Bảy xướng suất ra, các hội viên hội Khuyến học Long Xuyên tán thành vào, nay làm cơ quan của Hội”. Quan Phủ Bảy tức là Lê Quang Liêm, người Gò Công, làm Thông ngôn cho Pháp rồi lên đến chức Huyện, Phủ. Tuy làm viên chức cho Pháp nhưng Lê Quang Liêm cũng như Phạm Quỳnh, Nguyễn Chánh Sắt hay Hồ Biểu Chánh, đều là những người hết lòng với sự nghiệp truyền bá văn hóa – nói theo Phan Châu Trinh là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Lê Quang Liêm và con là Lê Quang Ngà là những nhân vật nổi bật trong phong trào đưa tang cụ Phan Châu Trinh tại miền Tây Nam Kỳ.

Cũng theo lời Phạm Quỳnh thì ban biên tập tờ báo gồm có: Lê Quang Liêm – chuyên khoa chánh trị, Nguyễn Văn Cư – chuyên khoa pháp luật, kiêm quản lý, Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) - chuyên khoa lý tài, Đặng Thúc Liêng – chuyên khoa văn chương. Kinh phí ấn hành những số báo đầu tiên do Hội Khuyến học Long Xuyên tài trợ, với dự định khi báo phát hành tốt sẽ có cơ sở để tự trang trải chi phí mà không cần vận động bên ngoài. Những người tham gia biên tập đều làm chủ yếu vì “lấy cái hảo tâm, lấy cái nghĩa vụ mà giúp cả, không phải vị lợi gì, vì báo có tư bản đâu mà cung cấp cho xứng đáng được”. Trụ sở tạp chí cũng chính là nhà riêng của ông Nguyễn Văn Cư ở Long Xuyên. Báo có dạng tạp chí, ra mỗi tháng một kỳ.

Nội dung và tôn chỉ của tờ báo cũng được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá khác nhau. Theo Sơn Nam, “nội dung tạp chí nói trên nhằm ca ngợi chánh sách “đề huề””, “tôn chỉ giống như tạp chí Nam Phong”. Còn Trần Nhật Vy thì đánh giá: “Báo được Hội khuyến học tỉnh Long Xuyên bảo trợ nên nặng tính truyền bá văn học, giữ vị trí truyền bá quốc ngữ quan trọng ở miền Nam dù mang tôn chỉ “cơ quan truyền bá tư tưởng Pháp””. Còn theo Phạm Quỳnh, người đã từng nói chuyện với ông Nguyễn Văn Cư thì tôn chỉ của tờ Đại Việt tập chí là: “thâu nhập các tư tưởng học thuật mới của Thái Tây, duy trì nền đạo đức quốc túy cũ của nước nhà, và thứ nhất là gây dựng lấy một nền quốc văn cho xứng đáng”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì ban biên tập tờ Đại Việt tạp chí muốn truyền bá tư tưởng văn minh thế giới, bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng nền văn học chữ Quốc ngữ, nghĩa là chỉ chuyên về văn hóa, văn học. Đánh giá một tờ báo là phải đánh giá dựa trên tôn chỉ và thực hành của nó, chứ không phải là tôn chỉ mà nhà nghiên cứu tùy ý áp đặt ra. Do đó, không thể đánh giá thấp vai trò của Đại Việt tập chí chỉ vì nó không hô hào chống Pháp, hay không nói đến các vấn đề kinh tế. Trong thời gian tờ báo đang lưu hành, đã có một số phản hồi tích cực về tác dụng của tờ báo, như ông Lê Bác Ái đã nhận xét trên tờ Lục tỉnh tân văn: “Nay ngoài Bắc lại có Đông-Dương-tạp-chí dạy đủ các khoa phổ-thông, Nam-phong Hà-nội và Đại-Việt-tập-chí Longxuyên phiên dịch các tư tưởng Âu-châu cho Đồng-bào ta khỏi học lóm với Chinoa, dường ấy há chẳng phải đại công hay sao?”.

Theo lời ông Nguyễn Văn Cư kể với Phạm Quỳnh, tờ báo vừa ra đời đã có khoảng ngàn người đặt mua cả năm. Trên tờ Lục tỉnh tân văn cũng có nhiều bài báo thảo luận về việc dịch thuật tiếng Pháp của tờ Đại Việt tập chí, nay còn giữ được hai bài: số 530 ra ngày 2-5-1918 đính chính một số cụm từ dịch trên Đại Việt tập chí số 1; số 531 ra ngày 9-5-1918 đính chính một số chữ trên Đại Việt tập chí số 2. Với truyền thống báo chí Nam Kỳ thời đó, ắt phải nổ ra cuộc tranh luận – thường sẽ biến thành tranh cãi – học thuật giữa hai tờ báo. Tuy nhiên, các thành viên ban biên tập lại không muốn sa đà vào việc tranh luận vô ích. Vì thế, ngày 29-4-1918, quản lý Đại Việt tập chí là ông Nguyễn Văn Cư có gửi thư cho ban biên tập Lục tỉnh tân văn như sau:

“Lục-tỉnh-tân-văn báo quán chư Chủ-bút đồng ngả giám:

Chúng tôi lập quán Đại-việt-tập-chí ra chẳng phải chủ ý tầm chương trích cú mà tranh luận cùng nhà báo nào. Tôn chỉ của chúng tôi có bày tỏ trong bài Quảng cáo đồng nhơn đã ấn hành vào Đại-việt-tập-chí số 1.

Vả bước đường của chúng tôi trông ra càng ngày càng xa; trách nhậm của chúng tôi nghĩ lại càng ngày càng nặng (?) Các ngài lặng xét thầm soi, nghỉ thử mà thương cho chúng tôi, có ngày giờ nào mà ngồi không biện-bát cùng văn-nhơn từ-khách nửa đâu.

Mới đây chúng tôi hay rằng: trong Quí-báo có mấy ngài có viết bài chê (?) chúng tôi dùng các thứ chử đều sái và ra công tứ giáo sửa lại cho trúng nghĩa.

Có nhiều khán quan viết thơ trách chúng tôi, sao không đáp từ mà biện-bát cùng mấy ngài, để mấy ngài tưởng phải nên nói hoài, nghe ra khiếm nhả ? ? ?

Chúng tôi thầm nghỉ rằng: nếu chúng tôi thiệt dùng chử sái, thì còn lời chi mà cải với mấy ngài; còn nếu chúng tôi dùng chử trúng, thì cần chi phải giải nửa. Xin mấy ngài nghỉ thử coi. Mấy ngài cũng biết: nếu cải từ chử, từ tiếng thì có ích chi cho văn-đề mà nghị-luận.

Vậy chúng tôi xin mấy ngài bải sự tứ giáo cho khỏi mang tiếng:

“Nhơn chi hoạn, tại háo vi nhơn sư.”

Đại-việt-tập-chí Quản-lý

NGUYỄN-VĂN-CƯ”.

Sau cuộc tranh luận hồi tháng 5 đó, Đại Việt tập chí còn tiếp tục ấn hành, đến tháng 7-1918 thì đình bản[10]. Theo Sơn Nam, “non năm sau báo nghỉ vì Hồ Biểu Chánh đổi về Sài Gòn”. Thực ra không hẳn như vậy, Phạm Quỳnh đi Nam Kỳ hồi tháng 7-1918 đến tháng 10-1918 có ghé thăm ông Nguyễn Văn Cư và biết qua tình hình của báo. Theo đó thì bấy giờ Đại Việt tập chí gặp nhiều khó khăn:

Một là, khó khăn về vấn đề kinh phí. Vì Hội Khuyến học Long Xuyên chỉ tài trợ tiền in mấy số đầu, với ý định khi báo bán chạy rồi sẽ có đủ vốn tự xoay vòng. Tuy có nhiều người đặt mua cả năm, nhưng tới thời điểm đó vẫn chưa trả tiền – một vấn nạn thường gặp của việc phát hành báo chí thời kỳ đó.

Hai là, khó khăn trong vấn đề nhân sự, bài vở. Phạm Quỳnh cho biết: “Tuy có tùy tài phân nhiệm cả, bề ngoài thì coi là chỉnh đốn hoàn bị lắm, mà kỳ thực quan Phủ Bảy [Lê Quang Liêm] bận việc quan, ông Trung [Hồ Biểu Chánh] mới phải đổi về Gia Định, ông Liên [Đặng Thúc Liêng] thì ở tận Sa Đéc. Duy có ông Cư [Nguyễn Văn Cư] đã xin thôi việc Nhà nước ra mở một phòng biện sự riêng, là còn chút thì giờ thư thả mà chăm nom về việc báo được. Ông phàn nàn với tôi rằng một mình đương mọi việc, thật là khó nhọc quá”. Đây cũng là thực trạng mà ông Nguyễn Văn Cư đã phàn nàn với Lục tỉnh tân văn: “bước đường của chúng tôi trông ra càng ngày càng xa; trách nhậm của chúng tôi nghĩ lại càng ngày càng nặng … có ngày giờ nào mà ngồi không biện-bát cùng văn-nhơn từ-khách nửa đâu”.

Một yếu tố thứ ba có thể ảnh hưởng đến sự đình bản của Đại Việt tập chí là lời đề nghị của Phạm Quỳnh, muốn hợp Đại Việt tập chí và Nam Phong tạp chí lại làm một tờ báo. Lời đề nghị này được nhiều người ưng thuận, như lời Phạm Quỳnh cho biết: “Tôi có bàn với ông [Nguyễn Văn Cư] nếu hợp một được Đại Việt với Nam Phong mà làm một cái tạp chí chung cho cả Nam Bắc thì hay lắm. Ông lấy làm đậm lắm, quan Phủ Bảy cũng ưng như thế và cả hội Khuyến học Long Xuyên cũng tán thành. Nhưng còn phải đợi cho công việc Đại Việt thanh thả cả, phải đợi cho sổ sách kết toán đâu vào đấy, rồi mới có thể nghĩ cách thực hành được cái lời bàn ấy”.

Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, Đại Việt tập chí đã đánh dấu bước đi đầu tiên của nền báo chí An Giang, góp phần vào lịch sử báo chí miền Tây Nam Bộ; và như Sơn Nam nhận xét “ghi lại để thấy “kẻ sĩ” An Giang, tuy xa Sài Gòn, nhưng khá nhạy bén với trào lưu”.

0972 873 962