CHÙA ĐÀN

Tình trạng: Còn 1 ấn phẩm
Mã sản phẩm: CDNTDC
Tác giả: Nguyễn Tuân
Nhà xuất bản: Đồ Chiểu
Năm xuất bản: 197x
Số trang: 84

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Chùa Đàn" của tác giả Nguyễn Tuân sách do nhà xuất bản Đồ Chiểu ấn hành 197x. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, ruột dày 84 trang, khổ sách lớn, chữ in rõ, mực không nhòe, lõi sách chắc chắn. 

Quái dị và tuyệt mỹ là hai tính từ dành cho "Chùa Đàn", tác phẩm hội tụ tinh hoa trong văn chương của Nguyễn Tuân. Đa phần người đọc, đặc biệt là người đọc trẻ, biết đến Nguyễn Tuân nhiều hơn với thể loại tùy bút hay truyện ngắn như Vang bóng một thời, Tùy bút sông Đà…Tuy nhiên, trong giai đoạn 1943 - 1945, Nguyễn Tuân còn theo dòng văn học ma mị bởi sự ảnh hưởng sâu sắc từ các truyện ngắn trong Liêu trai chí dị của Bố Tùng Linh.

Đọc Chùa Đàn, ta bắt gặp một Lãnh Út ngày ngày chìm đắm trong đau thương và rượu bởi cái chết của vợ sau vụ tai nạn tàu hỏa. Từ đó, anh thù ghét máy móc, anh cấm tất cả mọi người trong ấp Mê Thảo không được sử dụng vật dụng liên quan đến khoa học hiện đại. Ta gặp cả một Bá Nhỡ, người quản gia trung tín vốn nhờ vợ chồng Lãnh Út mà thoát khỏi án tử hình vì tội giết người, thế nên hết lòng cung phụng chủ ấp. Đến một ngày, Lãnh Út bỗng thèm được nghe tiếng hát ả đào, Bá Nhỡ đáp ơn tri ngộ, dày công luyện tập để có thể so dây cây đàn kỳ bí được làm từ ván nắp cỗ quan tài một gái đồng trinh của Chánh Thú mà rước cô đầu Tơ về hát. Bất chấp lời nguyền oan nghiệt của Chánh Thú, Bá Nhỡ khao khát được “sóng tơ mình với trúc người” hầu mong tiếng hát có thể khiến Lãnh Út “có dịp đầu thai lại vào đời sống”. Bá Nhỡ - Lãnh Út – đầu Tơ đã hợp thành “tam vị nhất thể” để tạo nên một buổi đàn ca vô tiền khoáng hậu. Bá Nhỡ đã chết để Lãnh Út hồi sinh. Một năm sau, ấp Mê Thảo mọc lên chùa Đàn, cô Tơ là người coi kinh kệ ở đó, chùa chưa có pho tượng Phật nào, mà sau bát hương là một cây đàn đáy với những nét chính của nhạc khí được tạc chìm vào gỗ mộc.

Bản nguyên của Chùa Đàn mang đậm tinh thần vị nghệ thuật vốn có trong bút pháp của Nguyễn Tuân, nhưng nhờ sự tài tình trong cách khai thác nội dung, trong ngôn từ đa dạng mà nó hòa hợp với cả vị nhân sinh nữa. Ta thấy được trong tác phẩm khía cạnh nhân sinh với những con người mang trong mình nỗi khổ đau khác nhau, nhưng họ đều tha thiết với nghệ thuật. Lãnh Út khao khát muốn được thưởng thức, Bá Nhỡ bất chấp cái chết để đánh lên một bản đàn mong thức tỉnh cậu Lãnh, còn đầu Tơ thực sự mong được cất tiếng hát sau nhiều năm mà cầu xin vong linh của chồng cho phép được sánh cùng ngón đàn tài hoa của Bá Nhỡ. Để rồi người đọc cùng hòa vào đêm nhạc tuyệt mỹ mà hồi hộp, đau xót từng hồi cùng với sự chết dần chết mòn của Bá Nhỡ giữa tiếng nhạc, tiếng trúc, tiếng tơ và giọng hát xúc động của đầu Tơ.

0972 873 962