Ấn phẩm "Con đường sáng" của tác giả Hoàng Đạo, sách do nhà xuất bản Khai Trí tái bản năm 1970. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, sách dày 192 trang, ruột đầy đủ, lõi sách chắc chắn.
Con đường sáng là truyện dài duy nhất của nhà văn Hoàng Đạo trong Tự lực văn đoàn. Tác phẩm này được đăng từng kỳ trên báo Ngày nay trong năm 1938 và được nhà Đời nay xuất bản vào năm 1940. Câu chuyện kể lại biến chuyển tâm lý tạo chuyển biến cuộc đời của một thanh niên trí thức ở Hà Nội trước 1945.
Chàng tên Duy có học thức, gia đình giàu có. Ngày nhỏ Duy có những năm tháng trưởng thành nơi thôn quê, nên tâm hồn mang bản chất trong sạch và mộc mạc, nhưng lớn lên ở giữa thị thành, có tiền bạc trong tay, có trí thức trong đầu, Duy cũng như đa số thanh niên cùng thế hệ sống trong hoàn cảnh đất nước dưới ách đô hộ của thực dân, chán nản nên buông trôi vào trụy lạc. Nhưng Duy có điểm khác với phần lớn những người chung quanh là chàng có nhiều lúc “khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa” và tuyệt vọng muốn tự tử. Cứ thế Duy mãi vùng vẫy muốn ra khỏi cái lưới vô hình bao vây quanh mình: “Duy nghĩ đến bao nhiêu bạn của chàng quằn quại ở trong vòng trụy lạc không ra thoát, khác nào như những thiêu thân sa vào màng nhện, càng giãy giụa cánh càng xơ xác và vướng chặt thêm”.
Rồi Duy dần dần tìm ra con đường cứu mình. Con đường này trước tiên là tìm môi trường sống mới, không thể quẩn quanh trong lòng đô thị sa hoa đầy cám dỗ, tiếp đến là tìm sinh hoạt mới, một cuộc sống dấn thân với những người lao động trong bùn lầy nước đọng đang cần cù xây dựng cuộc đời mà xưa nay chàng cho là thấp hèn hơn chàng và cuối cùng là tạo một cuộc đời có ích, đóng góp xây dựng cuộc sống mới cho quảng đại quần chúng đang luẩn quẩn trong vòng nghèo túng và tối tăm. Hạnh phúc của bản thân sẽ ở đấy và “con đường sáng” cũng khởi ở đấy.