Ấn phẩm "Đại Việt sử ký toàn thư" được biên soạn bởi các sử gia của nhà Lê trong "Ngô gia văn phái" gồm: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Hy, Phạm Công Trứ. Trong đó, Ngô Sỹ Liên là người đầu tiên chấp bút biên soạn, Lê Hy, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ là những người tiếp theo chỉnh sửa, bổ sung để có được bộ sử hoàn chỉnh như ngày nay. Sách nằm trong Tủ sách Cổ văn của Ủy Ban Dịch Thuật, được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa ấn hành năm 1974. Ấn bản đang lưu giữu tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách dày 700 trang, có đầy đủ bìa, gáy bị sờn, ruột đủ trang, lõi sách chắc chắn. Sách có nguyên văn chữ Hán phía sau để phục vụ cho công việc nghiên cứu văn bản gốc. Sách chỉ ra được tập 1, được cụ Tạ Quang Phát phiên dịch.
Năm Kỷ Dậu (1789), một Ban dịch thuật được hoàng đế Quang Trung cho thành lập do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đứng đầu, nhằm dịch Nôm các tác phẩm Hán văn của tiền nhân. Các tác phẩm như Tiểu học, Tứ thư, Ngũ kinh… đã được diễn Nôm và dâng vua thưởng lãm. Sách chưa kịp khắc ván thì vua băng hà. Triều đình suy thoái, kế hoạch phục hưng văn hóa đất nước chìm vào dĩ vãng.
180 năm sau (1969), cũng năm Kỷ Dậu, một Ủy Ban Dịch Thuật khác thuộc Bộ Quốc gia giáo dục miền Nam (lúc bây giờ là Phủ Quốc vụ khanh đặc trách về văn hóa) được thành lập do cụ Mai Thọ Truyền làm chủ tịch. Ủy ban dịch thuật gồm Ban Cổ văn và Ban Kim văn. Số học giả tham dự lên đến vài trăm người.
“Ban Cổ văn lại chia thành các tiểu ban: Quốc âm, Văn chương, Sử địa, Triết học, Tôn giáo. Ban Kim văn có các tiểu ban: Pháp văn, Ý, Đức, Nhật, Anh… mỗi tiểu ban chuyên dịch một ngoại ngữ hầu thâu góp những tinh hoa văn hóa nước ngoài để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc; còn các tiểu ban Cổ văn bắt đầu diễn dịch những tác phẩm do người Việt trước thuật bằng chữ Hán và chữ Nôm để phát triển những giá trị tinh thần lễ giáo và học thuật cổ truyền, ngõ hầu gây dựng lại nền nếp luân thường của tiền nhân để làm căn bản tái thiết cơ đồ văn hóa và phục hưng tinh thần đoàn kết dân tộc.”…
Với nội dung và hình thức được tổ chức bài bản, mỗi dịch phẩm của Tủ sách cổ văn xứng đáng là một tác phẩm hoàn bị. Tủ sách cổ văn trở thành một công trình học thuật nghiêm túc và đầy mỹ thuật. Tủ Sách Cổ Văn từ việc đi bảo tồn và phát huy di sản đã trở thành một di sản đáng được quan tâm sưu tầm
Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 do Tạ Quang Phát khảo dịch, xuất bản năm 1974 là bản cảo được xuất bản sau cùng trong tủ sách cổ văn.