Ấn phẩm “Danh ngôn từ điển” của tác giả Hoàng Xuân Việt được nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1972. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, bìa gốc, lõi sách rất đẹp. Sách dày 510 trang, đây là ấn bản đặc biệt, in số lượng giới hạn trên chất liệu giấy trắng, dày.
Ở cuốn từ điển này, tác giả Hoàng Xuân Việt đã hiểu từ “Danh ngôn” theo một nghĩa rộng. Nó bao gồm ý nghĩa của tư tưởng trích lục của các văn thi hào, ý nghĩa cách ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao….
Tác giả đã chủ trương rằng từng câu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao… là sản phẩm của một người nào đó, một cá nhân nào đó nói ra, viết ra, rồi theo thời gian, được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác mà biến thành vô danh. Nó nhập vào cái túi khôn bao la của một số dân tộc, của nhân loại. Nhiều tư tưởng của một số không nhỏ nhà văn nhà thơ cũng mang số phận như vậy.
Tác giả đã nhắm vào lợi ích của bạn đọc khi cho ra đời quyển sách này. Bạn đọc là nhà văn, chính trị gia, luật sư, diễn giả...lúc viết hay nói bạn thỉnh thoảng cần trưng dẫn danh ngôn hay bạn biết một danh ngôn nào đó mà quên vài chi tiết, quên tác giả. Cuốn sách này có thể gắng tiếp tay cho trí nhớ của bạn.
Ở cuốn sách này, phần cuối cùng, đọc giả sẽ gặp một phụ lục có nhan đề là “Danh sĩ quốc tế và Danh nhân tiêu biểu”. Tác giả đã lựa chọn một số danh sĩ nổi danh quốc tế rồi trích một số danh ngôn tiêu biểu nhất của họ. Về danh từ “Danh sĩ” ở đây, bạn không nên chỉ hiểu rằng đó là những nhà thơ nhà văn chuyên nghiệp tên tuổi, mà hiểu rằng bất cứ ai cầm bút xuất sắc. Đó có thể là một chính trị gia, một luận gia, một tướng lãnh, một thánh gia, một thánh nhân, một nhà tu, một bác sĩ...