Ấn phẩm "Thi pháp" của tác giả Diên Hương, sách do tác giả tự ấn hành lần thứ nhất năm 1950. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng tốt, bìa và gáy sách bị nhàu một số chỗ rất may vẫn đầy đủ, ruột dày 354 trang, lõi sách chắc chắn.
Diên Hương tên thật là Trần Ngọc Án, người quê ở Trà Vinh, sinh năm 1888. Ông là một trong các bác sĩ tốt nghiệp tại Trường thuốc Hà Nội đầu tiên. Tuy hấp thụ Tây học, nhưng bác sĩ Án là người có tâm hồn thi sĩ, có nghiên cứu Hán học và thích văn chương thi phú. Đương thời, ông làm việc tại bệnh viện Chú Hoả - gọi là Clinique Hui Bon Hoa đường Bonard (tức Lê Lợi ngày nay), ngó xéo qua chợ Bến Thành. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Đối - con ông Chánh Tổng Nguyễn Tường Hưng, người ở Mỏ Cầy, Bến Tre. Hai ông bà sống hạnh phúc, tương đắc vì cùng chung sở thích: Văn Thơ. Tuy nhiên cho đến cuối cuộc đời hai người vẫn không có con. Bà Đối là một nữ sĩ, bút hiệu Song Thanh. Tuy làm thơ nhiều, nhưng ông bà chỉ muốn xướng hoạ với bạn bè, thân hữu hơn là gởi đăng các báo.
Từ năm 1943, ông Án có lập “Diêu Trì Thi Xã”, tập họp một số bạn hữu để cùng nhau xướng hoạ văn thơ, một thú vui tao nhã lúc bấy giờ. Trong Tao đàn “Diêu Trì” của ông bà, có thi sĩ Thường Tiên Lê Quang Nhơn - con trai nữ sĩ Trần Ngọc Lầu và ông Lê Quang Chiểu.
Ông cũng là người chủ xướng "Nam Phong Thi Xã", tồn tại đến thập niên 1960. Ngoài các ông Thường Tiên, Diêu Trì Thi Xã gồm các ông có nền tảng Nho học lẫn Tây học vững chắc như cụ Thượng Tân Thi Phan Quốc Quang, Hồ Biểu Chánh, Biến Ngũ Nhy…Về sau thi xã nầy có thêm nhà thơ Nguyễn Vỹ, Thuần Đức Nguyễn Trung Hậu. Ông có xuất bản quyển “Từ điển Thành ngữ Điển tích”, được tái bản nhiều lần. Ban đầu, ông sưu tầm để chơi, sau có người khuyến khích xuất bản để giúp ích cho đời, ông mới cho xuất bản và được độc giả hoan nghinh.