Friedrich Nietzsche (1844-1900) là một nhà triết học người Phổ. Ông sinh ra tại Rocken, một thị trấn Phổ lúc đó, là một phần của Đức ngày nay.
Tổ tiên của Nietzsche phần nhiều đều là những nhà thần học tin lành, đó chính là môi trường kết hợp một nền văn hóa rộng rãi với một thứ luân lý khắt khe và một lòng tôn trọng các đức tin công giáo. Cha của ông - Karl Ludwig Nietzsche là mục sư. Ông quản nhậm địa phận Rocken, gần sát mặt trận Lutzen, và kết hôn với một trong những người con gái của vị mục sư đồng nghiệp sống ở giáo khu bên cạnh, Franziska Oehler.
Cha của Nietzsche qua đời vì bệnh não vào năm 1849; em trai ông chết năm 1850. Sau đó, gia đình chuyển về Naumburg, nơi họ sống với bà nội của Nietzsche và hai người cô chưa lập gia đình. Sau khi bà nội của Nietzsche qua đời vào năm 1856, gia đình chuyển về nhà riêng của họ.
Trong suốt thời gian này, Nietzsche theo học trường nam sinh và sau đó là một trường tư. Vào năm 1854 ông bắt đầu theo học tại trường Domgymnasium ở Naumburg, nhưng sau khi ông bộc lộ các tài năng về âm nhạc và ngôn ngữ, trường Schulpforta đã nhận ông vào học, ông tiếp tục học tại đó từ năm 1858-1864. Tại Schulpforta, Nietzsche tiếp nhận những giới thiệu quan trọng về văn chương, đặc biệt là văn học Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Sau khi tốt nghiệp năm 1864, Nietzsche bắt đầu học về thần học và triết học cổ điển tại Đại học Bonn. Trong một thời gian ngắn, ông trở thành thành viên của hội Burschenschaft Frankonia. Sau một học kỳ, ông ngừng học về thần học và đánh mất đức tin tôn giáo. Nietzsche sau đó tập trung nghiên cứu về ngữ văn học dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Friedrich Wilhelm Ritschl, người mà ông chuyển theo sang Đại học Leipzig năm kế tiếp đó. Những bài báo đầu tiên về ngữ văn của Nietzsche xuất hiện không lâu sau đó.
Vào năm 1867, Nietzsche đăng ký một năm phục vụ tình nguyện với đơn vị pháo binh của quân đội Phổ đóng tại Naumburg. Tuy nhiên, một tai nạn do cưỡi ngựa vào tháng 03/1868 đã làm ông không còn thích hợp với quân ngũ nữa. Do đó Nietzsche quay lại và hoàn thành việc học.
Một phần dựa vào sự giúp đỡ của Ritschl, Nietzsche nhận được một vị trí tốt để trở thành giáo sư về ngữ văn cổ điển tại Đại học Basel trước khi hoàn thành luận án tiến sĩ hay là bằng cấp về sư phạm. Sau khi chuyển về Basel, Nietzsche từ bỏ quốc tịch Phổ. Tuy nhiên, ông lại phục vụ cho phía Phổ trong cuộc Chiến tranh Pháp - Phổ từ 1870-1871 như là một người phục vụ ở bệnh viện quân y.
Vào năm 1872, Nietzsche xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, Sự khai sinh của Tai họa từ Tinh thần của Âm nhạc (The Birth of Tragedy out of the Spirit of Music). Tuy nhiên, các đồng nghiệp ngữ văn cổ điển của ông, trong đó có cả Ritschl, đã tỏ ra không mấy nhiệt tình với tác phẩm này.
Vào năm 1879, sau khi sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, Nietzsche phải từ chức khỏi vị trí tại Basel. Bởi vì bệnh tật làm ông phải đi tìm một nơi có khí hậu dễ chịu hơn, Nietzsche thường xuyên đi du lịch, và sống cho đến năm 1889 như là một tác giả độc lập trong nhiều thành phố khác nhau. Đây là thời gian sung mãn nhất của ông về mặt xuất bản và tư duy triết học. Thỉnh thoảng ông vẫn trở về thăm gia đình. Ông yêu Lou Andreas-Salomé và cầu hôn, nhưng bị từ chối. Điều này, cùng với việc mất mối quan hệ với những người bạn cũ như Wagner, đã dẫn ông đến một sự cô lập ngày càng sâu sắc hơn. Tại thời điểm này, ông đã viết “Zarathustra đã nói như thế”, và “Phi thiện ác”.
Cuối đời, sức khoẻ Nietzsche giảm sút và có triệu chứng thần kinh với những cơn đau đầu dữ dội. Năm 1889, ông phát điên và qua đời vào 11 năm sau. Ông đã sống trong cô đơn, với một tâm hồn đầy nhạy cảm, căm ghét sự giả dối và coi niềm bi quan tuyệt đỉnh chính là hạnh phúc vẹn tròn.
- Các tác phẩm:
- Sự khai sinh của Tai họa từ Tinh thần của Âm nhạc (1872)
- Phàm phu, quá đỗi phàm phu (1878)
- Ý kiến tương hợp và châm ngôn (1879)
- Lữ khách và bóng hình mình (1880)
- Bình minh (1881)
- Tri thức hân hoan (1882–1887)
- Zarathustra đã nói như thế (1883 – 1885)
- Phi thiện ác (1886)
- Phổ hệ luân lý (1887)
- Quan Điểm Phi Thời Gian
- Triết lý Hy Lạp thời bi kịch
- Schopenhauer nhà giáo dục