Ấn phẩm “Hán - Việt từ điển” của tác giả Đào Duy Anh được nhà xuất bản Trường Thi ấn hành năm 1957. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, sách được nhà xuất bản đóng bìa, dày 606 trang, ruột sách đẹp, lõi sách chắc chắn.
Ở nước ta, quốc văn ta với Hán văn là hai điều không thể tách rời. Ta có thể căn cứ vào những điều sau:
- Căn cứ vào lịch sử cũ.
- Dung hợp với văn hoá mới.
Lịch sử nước ta thời Bắc thuộc trở về trước, vẫn chưa có văn tự, đến thời Nhậm diên, Tích Quang, Sĩ Vương mới đem văn tự Trung Quốc truyền vào, trải qua hơn hai nghìn năm, Hán văn đã ăn sâu vào quốc văn của ta.
Theo Đào Duy Anh, quốc văn ta không có gì làm tiêu chuẩn và căn cứ nên nghiên cứu rất khó, mà khó nhất là những chữ những lời mượn trong Hán văn, ý nghĩa rất phức tạp. Bản thân tác giả khi nghiên cứu quốc văn mà không có từ điển để tra cứu đã cảm thấy rất khổ sở. Đây cũng là lý do để Đào Duy Anh biên soạn cuốn sách này, trình bày những điều mà quốc văn của ta đã mượn trong Hán văn để độc giả có nơi tra cứu.