JEAN JACQUES ROUSSEAU

JEAN JACQUES ROUSSEAU

JEAN JACQUES ROUSSEAU

Jean Jacques Rousseau sinh ngày 28/06/1712 trong một gia đình thợ thủ công làm nghề sửa chữa đồng hồ ở Geneve (Thụy Sĩ). Ông nội của J. J. Rousseau vốn là người Pháp. Bố đẻ của J. J. Rousseau là Isaac Rousseau. Khi J. J. Rousseau mới ra đời được 9 ngày thì mẹ đẻ của ông mất. 

Mười năm tuổi thơ của cậu bé mồ côi mẹ J. J. Rousseau sống trong sự đùm bọc, nuôi dạy của cha. Ông Isaac Rousseau cho cậu con trai đọc rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử. Trong số đó, J. J. Rousseau thích nhất là những cuốn sách của Plutarque (50-125) viết về các nhân vật lịch sử Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Năm 1722, do khó khăn trong cuộc sống gia đình nên ông Isaac Rousseau đã phải rời bỏ Geneve đi kiếm sống ở nhiều nơi. Ông gửi J. J. Rousseau cho em trai mình ở lại Geneve. Trong 5 năm sống với chú ruột, thoạt đầu J. J. Rousseau được gửi vào học ở một trường nội trú. Sau hai năm, ông thôi học ở đây để theo học nghề chạm khắc vỏ đồng hồ. Trong những năm tháng này, mặc dù có cuộc sống không đến nỗi vất vả nhưng  J. J. Rousseau luôn cảm thấy cuộc sống của mình là tù túng, bản thân mình bị bạc đãi, coi khinh. Do vậy, ngày 14/03/1728, khi gần tròn 16 tuổi, J. J. Rousseau đã tìm cách trốn khỏi Geneve.

Trong những năm tháng lưu lạc để kiếm sống và mưu tìm sự nghiệp, từ 1728 đến 1741, thoạt đầu ở Thụy Sĩ, sau đó ở Pháp, Italia và năm 1742 đến Paris, J. J. Rousseau đã trải qua nhiều công việc, từ thư ký sở địa chính, chép nhạc thuê đến gia sư. Ở đâu, làm nghề gì, ông cũng luôn gặp khó khăn trong cuộc sống, không hài lòng với công việc và phải chứng kiến những cảnh bất công, phi lý. Để ổn định cuộc sống, đã có lúc ông buộc phải từ bỏ đạo Tin lành mà ông vốn là một tín đồ ngay từ nhỏ để trở thành một tín đồ Giatô giáo theo ý muốn của người khác. Mặc dù phải lo kiếm sống hàng ngày, song J. J. Rousseau vẫn không từ bỏ thói quen đọc sách. Ở tuổi 20, ông đã đọc rất nhiều tác phẩm của Plato, Virgil, Horace, Montaigne, Pascal, Voltaire,… Với ông, đọc sách bao giờ cũng là công việc hứng thú và là cách tốt nhất để tự trang bị kiến thức. Tư duy triết học, chính trị học, văn học và cả âm nhạc, nghệ thuật của ông đã được hình thành và phát triển trong chính những năm tháng lưu lạc để kiếm sống này.

Sự nghiệp sáng tạo lý luận của J. J. Rousseau thực sự bắt đầu trong những năm 1742-1756 khi ông chuyển tới sống ở Paris.

Năm 1742, J. J. Rousseau viết tác phẩm đầu tay - Kiến nghị lập bản ký âm mới cho âm nhạc. Ông gửi bản kiến nghị này lên Viện Hàn lâm khoa học Paris, nhưng không được Hội đồng giám định thông qua, vì phương pháp ghi âm mới của ông còn rắc rối, phức tạp hơn cách ghi nốt nhạc đương thời.

Năm 1743, J. J. Rousseau làm thư ký riêng cho De Montaigu - Đại sứ Pháp tại Venezia. Với công việc này, ông đã có thêm những hiểu biết về chính trị. Song, ông đã xin thôi việc vào năm 1744.

Năm 1745, J. J. Rousseau làm quen, rồi sau đó kết hôn (1768) với Therese Levasseur.

Năm 1746, J. J. Rousseau làm thư ký riêng cho bà Dupin, giúp bà chép bản thảo cuốn sách về vấn đề phụ nữ. Cùng với công việc này, ông còn làm nghề chép nhạc thuê để kiếm sống. Trong thời gian này, ông làm quen với D. Diderot (1713-1784) cùng với D. Diderot, D'Alembert và một số nhà tư tưởng khác biên soạn “Từ điển Bách khoa toàn thư”. Trong bộ Từ điển (gồm 35 tập) này, ông viết các mục về kinh tế chính trị và âm nhạc. Cũng trong thời gian này, ông còn viết một số bài báo nhằm truyền bá kiến thức khoa học, nghệ thuật, tuyên truyền tư tưởng tự do, bình đẳng, chống giáo hội và chế độ quân chủ chuyên chế đương thời.

Năm 1749, J. J. Rousseau viết luận văn “Luận về khoa học và nghệ thuật” để tham dự cuộc thi do Viện Hàn lâm khoa học Dijon tổ chức với chủ đề “Việc chấn hưng khoa học và nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không”. Luận văn này đã được Viện Hàn lâm khoa học Dijon trao giải thưởng. Nó đã làm cho J. J. Rousseau trở nên nổi tiếng. Song khi được công bố vào năm 1750, nó đã gây nên nhiều phản ứng trái ngược nhau trong xã hội Pháp đương thời: giới quý tộc Pháp thì lên tiếng chê bai, thậm chí công kích, còn đông đảo quần chúng nhân dân thì hoan nghênh cả nội dung lẫn tác giả của nó.

Năm 1753, J. J. Rousseau viết luận văn “Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng” cũng lại để tham dự cuộc thi do Viện Hàn lâm khoa học Dijon tổ chức với chủ đề “Nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người và người là gì? Nó có phù hợp với luật tự nhiên hay không?”. Với luận văn này, trong những năm 1754-1755, J. J. Rousseau đã thực sự dấn thân vào một cuộc đấu tranh chính trị. Khi luận văn này bị loại ra khỏi cuộc thi, ông đã gửi bản thảo sang Hà Lan nhờ NXB Michel Ray ấn hành. Tháng 06/1755, luận văn này đã ra mắt công chúng Hà Lan và ngay lập tức, nó cũng đã xuất hiện ở các hiệu sách của thủ đô Paris. Cũng ngay lập tức, luận văn này đã nhận được sự công kích mãnh liệt từ giới thượng lưu quý tộc Paris và tác giả của nó - J. J. Rousseau - cũng chịu chung số phận. Trước sự công kích dữ dội của giới quý tộc thượng lưu Paris, J. J. Rousseau đã buộc phải trở về quê hương ông - Geneve. Tại đây, ông cho tái bản luận văn “Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng” với lời tựa mới và đề tặng nền cộng hòa Geneve. Cũng tại đây, ông đã lấy lại tư cách công dân Genene và khôi phục tín ngưỡng gốc của mình là đạo Tin lành.

Năm 1756, J. J. Rousseau lại rời bỏ Geneve để đến sống ẩn dật ở Montmorency - một vùng quê hẻo lánh ở phía Bắc Paris, trong một ngôi nhà nhỏ bỏ hoang của một ẩn sĩ đã quá cố từ lâu. Những ngày sống ở đây, ông hầu như không tiếp xúc với bạn bè của ông. Cũng do vậy mà tình bạn giữa ông với các nhà triết học trong nhóm Bách khoa toàn thư ngày càng phai nhạt, tan vỡ.

Tháng 01/1761, J. J. Rousseau cho ra mắt công chúng Pháp cuốn tiểu thuyết “Julie hay nàng Héloise mới”. Cuốn tiểu thuyết này đã được đông đảo công chúng Paris, nhất là các bậc mệnh phụ và lớp trẻ nồng nhiệt tiếp nhận.

Tháng 05/1762, J. J. Rousseau tiếp tục cho ra mắt công chúng Pháp cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông - “Emile hay vấn đề giáo dục”. Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, cuốn tiểu thuyết này đã bị thu hồi và tác giả của nó bị truy nã. 

Một tháng trước khi tiểu thuyết “Emile hay vấn đề giáo dục” ra đời, tháng 04/1762, tác phẩm quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của J. J. Rousseau - “Xã ước” đã được NXB Michel Ray ở Amsterdam (Hà Lan) cho ra mắt độc giả. Với tư tưởng được ông trình bày trong “Xã ước”, J. J. Rousseau đã công khai tuyên bố lập trường chính trị cấp tiến của ông. Cũng chính vì thế mà ngay sau khi ra mắt công chúng, “Xã ước” đã bị cấm lưu hành và bản thân ông cũng bị truy nã.

Trong bối cảnh đó, giữa tháng 06/1762, ông đã rời Paris để trở về Geneve. Nhưng tại Geneve - quê hương ông, chính quyền và Giáo hội Geneve cũng ra lệnh đốt sách của ông và truy nã ông, khiến ông phải lẩn tránh khắp nơi. Năm 1765, khi ông đang ẩn náu ở Motier - một địa phương nhỏ thuộc vùng Neuchatel (Thụy Sĩ), ngôi nhà nhỏ mà ông đang sống đã thường xuyên bị những người dân quá khích trong vùng ném gạch đá theo sự xúi giục của các giáo sĩ.

Năm 1766, J. J. Rousseau được nhà triết học Anh - D.Hume tạo điều kiện cho cùng đi sang Anh. Nhưng tại Anh, ông vẫn cảm thấy bất ổn, nhất là khi ông cảm nhận thấy cách đối xử có ý đồ không tốt của D. Hume đối với ông trên bước đường lưu vong. Không thể sống mãi trong tình cảnh đó, đầu năm 1768, ông trở lại Pháp ẩn náu tại một vùng gần biên giới Pháp - Italia cho đến giữa năm 1769 thì trở lại Paris, khi việc truy lùng ông không còn gay gắt như trước nữa.

Trong những năm 1772-1773, J. J. Rousseau tập trung viết tập “Đối thoại” với tiêu đề “Rousseau - người phán xét Jean Jacques” nhằm mục đích thanh minh để công chúng đương thời và đời sau hiểu rõ con người thực của ông, tư tưởng của ông và tâm địa độc ác của những kẻ từng làm hại ông. Năm 1766, ông bắt đầu viết tập ký sự “Những điều mơ mộng của một người lãng du cô đơn” để nói lên tâm sự và những suy nghĩ của mình về tương lai. Tập ký sự này hoàn thành thì cũng là lúc ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 02/07/1778. Thi hài ông được chôn cất tại một hòn đảo nhỏ có tên gọi Dương Liễu, nhưng vào ngày 09/11/1794, nhân dân Pháp đã rước di hài của ông từ đảo Dương Liễu vào điện Pantheon - nơi chôn cất các danh nhân đã làm rạng rỡ nước Pháp.

 

  • Các tác phẩm:
  • Kiến nghị lập bản ký âm mới cho âm nhạc (1742)
  • Từ điển Bách khoa toàn thư (1746)
  • Luận về khoa học và nghệ thuật (1749)
  • Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng (1753)
  • Julie hay nàng Héloise mới (1761)
  • Xã ước (1762)
  • Emile hay vấn đề giáo dục (1762)
  • Những lời bộc bạch (1770)
  • Đối thoại: Rousseau - người phán xét Jean Jacques (1772-1773)
  • Những điều mơ mộng của một người lãng du cô đơn (1776)

XÃ ƯỚC - ẤN BẢN ĐẶC BIỆT

Ấn phẩm "Xã ước" là bản trích dịch của nguyên tác "Du Contrat Social" của tác giả Jean Jacques Rousseau, do dịch giả Nguyễn Hữu Khang phiên dịch. Sách do nhà xuất bản Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn hành lần thứ nhất năm 1960. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách là ấn bản đặc biệt, in giới hạn bằng giấy trắng, bìa cứng, sách dày 172 trang, lõi sách chắc chắn. Xuất phát từ luận điểm: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”, Rousseau nhận thấy phương pháp duy...

EMILE HAY VẤN ĐỀ GIÁO DỤC - ẤN BẢN LẦN ĐẦU

Ấn phẩm "Emily hay vấn đề giáo dục" của tác giả Jean-Jacques Rousseau do dịch giả Lý Hoa phiên dịch, được nhà xuất bản Trung Tâm Học Liệu ấn hành lần nhất năm 1962. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách còn nguyên bìa gáy. Bìa sách bị sờn và rộp bong một ít, ruột sách rất đẹp, lõi sách chắc chắn.  Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu xuất thân từ một gia đình gốc Pháp, được nuôi dạy theo truyền thống Tin lành. Ông ham thích các tác phầm lãng mạn và các tác...

EMILE HAY VẤN ĐỀ GIÁO DỤC - ẤN BẢN LẦN HAI ĐÓNG BÌA

Ấn phẩm "Emily hay vấn đề giáo dục" của tác giả Jean-Jacques Rousseau do dịch giả Lý Hoa phiên dịch, được nhà xuất bản Trung Tâm Học Liệu ấn hành lần hai năm 1972. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách đóng bìa xưa, còn nguyên bìa gốc, ruột sách rất đẹp, lõi sách chắc chắn. Sách từng nằm trong tủ sách của nhà văn Ngọc Linh và được nhà văn đóng bìa, bảo quản rất tốt. Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu xuất thân từ một gia đình gốc Pháp, được nuôi...
0972 873 962