Jean-Paul Sartre (1905-1980) là một triết gia, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia và nhà hoạt động chính trị người Pháp, được biết đến là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, và một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nền triết học Pháp thế kỷ 20 và chủ nghĩa Marx. Sartre được trao giải Nobel Văn học vào năm 1964 nhưng ông đã từ chối, ông nói rằng ông luôn từ chối những danh hiệu chính thức và “một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”.
Jean-Paul Sartre là người con duy nhất của Jean-Baptiste Sartre, một sĩ quan của Hải quân Pháp và Anne-Marie Schweitzer. Khi Sartre mới lên 2 tuổi thì cha ông qua đời. Bà Anne đã đưa ông về ở với ông bà ngoại ở Meudon. Tại đây, Sartre được mẹ giáo dưỡng với sự trợ giúp của ông ngoại là một thầy giáo tiếng Đức. Ông ngoại của Sartre đã dạy ông toán học và văn học cổ điển từ khi ông còn ấu thơ. Khi Satre 12 tuổi, mẹ ông tái giá và cả gia đình dọn về La Rochelle, ở đây ông thường xuyên bị bắt nạt.
Vào những năm 1920, khi còn là một thiếu niên, Sartre đã bị triết học thu hút khi ông đọc bài khảo luận “Các dữ liệu trực cảm của ý thức” của Henri Bergson. Ông đã theo học và đạt được văn bằng triết học tại trường École normale supérieure, ngôi trường của nhiều nhà tư tưởng và trí thức nổi tiếng Pháp. Trong thời gian này ông làm quen với Simone de Beauvoir, một nhà văn lớn sau này trở thành người bạn tri âm của ông. Có lẽ quyết định có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển trong triết học của Sartre là ông đã tham dự hội thảo Alexandre Kojève hàng tuần trong nhiều năm liền.
Năm 1932, ông theo học triết học của Edmund Husserl và Martin Heidegger. Sau khi tiếp tục dạy ở Le Havre và ở Lyon, Sartre dạy ở trường trung học Pasteur tại Paris trong thời gian 1937-1939. Cuối thập niên 1930, Sartre bắt đầu viết những tác phẩm lớn của đời mình, trong đó có La Nausée (Buồn nôn, 1938), Le Mur (Bức tường, 1938), là những cuốn sách tiêu biểu cho dòng văn học phi lý đã giúp Sartre trở thành một trong những nhà văn hóa lớn nhất của nước Pháp thời kỳ này. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị bắt làm tù binh, sau đó bị nhốt vào trại tập trung. Năm 1941, Sartre trở về Paris tiếp tục dạy học, viết văn, làm quen với Albert Camus. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông thôi dạy học và chuyên tâm vào sáng tác văn học.
Từ giữa thập niên 1940, ông nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thành lập tạp chí Les temps modernes (Thời mới), tuyên truyền các ý tưởng cách mạng, hoạt động xã hội. Năm 1964, Sartre được Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel nhưng ông từ chối nhận giải.
Những năm cuối đời Sartre bị mù, không viết được nhưng ông vẫn trả lời vô số phỏng vấn, thảo luận các vấn đề chính trị với bạn bè. Sartre cũng được biết đến nhiều với tư cách một nhà viết kịch phi lý. Ông nổi tiếng với các vở kịch Les Mouches (Ruồi) và Huis clos (Phía sau cửa đóng). Ngoài ra, Sartre còn viết phê bình văn học và các bài nghiên cứu về Charles Baudelaire, Jean Genet.
Tình trạng sức khoẻ của Sartre ngày càng xấu đi do cường độ làm việc cao và sử dụng nhiều chất kích thích. Ông bị cao huyết áp và gần như bị mù hoàn toàn vào năm 1973. Ngày 15/04/1980, Sartre qua đời tại Paris vì phù phổi. Sartre đã yêu cầu không được chôn cất ông cùng mẹ và cha dượng, vì vậy ông được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse, Pháp.
- Các tác phẩm:
- Tưởng tượng (1936)
- Buồn nôn (Tiểu thuyết, 1938)
- Bức tường (Truyện, 1938)
- Đề cương lý thuyết tình cảm (Khảo cứu, 1939)
- Cái tưởng tượng (Nghiên cứu tâm lý, 1940)
- Thực thể và hư vô (Tác phẩm triết học, 1943)
- Ruồi (Kịch, 1943)
- Kín cửa (Kịch, 1944)
- Suy nghĩ về vấn đề Do Thái (Luận, 1946)
- Con đĩ biết lễ nghĩa (Kịch, 1946)
- Chết không mai táng (Tập kịch ngắn, 1947)
- Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo (Tiểu luận, 1946)
- Những bàn tay bẩn (Kịch, 1948)
- Những con đường của tự do (Tiểu thuyết, 1945-1949)
- Quỷ dữ và Chúa lòng lành (Kịch, 1951)
- Phê phán lý trí biện chứng (2 tập, 1960)
- Những người bị cầm tù ở Altona (Kịch, 1960)
- Ngôn từ (Hồi ký, 1964)