Lê Ngọc Trụ sinh ngày 15/03/1909 tại Chợ Lớn trong một gia đình đông con và không khá giả. Sau 10 năm học trường tỉnh Chợ Lớn ở Phú Lâm, ông vào học Trường Sư phạm Sài Gòn 4 năm. Đang học, năm 1926, ông bị bệnh phải mổ xương ở mép tai trái. Dự cuộc bãi khóa ngày 17/05/1929, ông bỏ thi, đi làm cho hãng buôn để có tiền bồi thường học bổng trong 4 năm. Vì thế, ông không có mảnh bằng nào cả.
Từ năm 1932 đến năm 1945, ông cai quản tiệm vàng Lê Văn Ngữ (của cha vợ) ở Chợ Lớn. Bệnh đau đầu ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Tuy bệnh, nhưng với tinh thần hiếu học, ông ngồi ở nhà cặm cụi với sách vở. Trong khoảng thời gian buôn bán, lúc rảnh rỗi, ông tự học, tìm mua sách ngôn ngữ học của Pháp để nghiên cứu tiếng Việt.
Được bạn bè khuyến khích và ủng hộ về tinh thần, ông ra sức học thêm. Ông viết bài đăng rải rác trên các tạp chí Đông Dương (1939-1941), Đọc (1939), Nghệ thuật (1941), Bút Mới (1941),…
Từ năm 1941, ông gia nhập Hội khuyến học Nam Kỳ, ở trong Ban trị sự, trông nom việc ấn loát Kỉ yếu của Hội. Tại đây, ông được gần các bạn trí thức, như các ông Đoàn Quan Tấn, Chim Hải Yến, Nguyễn Xuân Quang, Vương Hồng Sển,… trau dồi sở học. Sau năm 1945, ông được Giám đốc thư viện Nam Phần mời làm Phó thủ thư công nhật (1948-1961) rồi Chủ sự phòng sưu tầm và thư viện (1961- 1964). Sau đó, ông làm Giám đốc Viện khảo cổ.
Có cơ hội thuận tiện tiếp xúc với giới văn nhân học giả, với tài liệu dồi dào nhưng tản mác trong Thư viện Quốc gia, ông viết bài đăng báo. Những bài chuyên về ngôn ngữ học đều ký tên thật, các bài khảo cứu khác đều ký bút danh Ngọc Toàn. Đồng thời, ông là biên tập viên của nhóm soạn thảo Từ điển Bách khoa Việt Nam do Đào Văn Tập chỉ đạo (1956). Năm 1970, ông là thành viên Ban Điển chế văn tự.
Trong thời gian 1956-1975, ông giảng dạy môn Chính tả và Ngôn ngữ học tại Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1968, ông được phong Giáo sư diễn giảng.
Ông được giải văn chương 1960-1962 về bộ môn biên khảo – giải duy nhất kỳ ấy. Công trình chính lúc đó của ông là Luật tứ thinh và Luật hỏi ngã.
Sau ngày 03/04/1975, ông về hưu, cộng tác với Ban Ngôn ngữ, Viện Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh.
Ông mất ngày 11/08/1979 tại Chợ Lớn, thọ 70 tuổi.
- Các tác phẩm:
- Bàn thêm về vấn đề âm dịch (Báo Tự Do, 1939)
- Tại sao tôi viết dống (giống) và giám (dám) hay là vấn đề viết chữ quốc ngữ (Báo Đọc, 1939)
- Bàn góp về luật tứ thanh (Báo Đông Dương, 1940)
- Chánh tả Việt ngữ (I, II), NXB Nam Việt, 1951 (tái bản thành một cuốn - NXB Trường thi, 1960)
- Nguyễn Cư Trinh và quyển Sãi Vãi (soạn chung với Phạm Văn Luật, NXB Tân Việt, 1951)
- Việt ngữ chánh tả tự vị, NXB Thanh tân, 1960, tái bản, 1971 (Giải thưởng văn chương, bộ môn biên khảo)
- Kim Thạch kỳ duyên (tuồng)
- Kim Vân Kiều (tuồng soạn chung với Trần Văn Hương, NXB Khai Trí, 1966)
- Tầm nguyên tự điển Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993