LÊ QUÝ ĐÔN

LÊ QUÝ ĐÔN

LÊ QUÝ ĐÔN

Lê Quý Đôn (02/08/1726 – 11/06/1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ và được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến".

Ông sinh ngày 05 tháng 07 năm Bính Ngọ (tức 02/08/1726) tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ông là con trai cả của ông Lê Phú Thứ (sau đổi là Lê Trọng Thứ), đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721) và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Ông Lê Trọng Thứ sinh năm 1694 và có hiệu là Trúc Am. Tổ tiên vốn là họ Lý ở huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc. Vì tránh nạn nên gia đình ông dời về ở xã Vị Dương (nay là huyện Thái Thụy, Thái Bình). Về sau gia đình ông lại đến ngụ cư ở xã Diên Hà, huyện Hưng Hà cùng tỉnh. Mẹ Lê Quý Đôn tên Trương Thị Ích, là con gái thứ ba của Trương Minh Lượng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), trải nhiều chức quan, tước Hoằng Phái hầu.

Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn là người ham học, thông minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là "thần đồng". Năm lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông đã học "khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử".

Năm Kỷ Mùi, ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm 1743 (Quý Hợi, đời vua Lê Hiển Tông), ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 18 tuổi. Sau khi đỗ Giải nguyên năm 1743, vì không muốn trùng tên với Nguyễn Danh Phương (1690 - 1751), một thủ lĩnh nông dân đang nổi lên chống triều đình, nên ông đã đổi tên là Lê Quý Đôn. Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Bà là con gái thứ 7 của Lê Hữu Kiều, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718).

Tuy đỗ đầu khoa thi Hương, nhưng thi Hội mấy lần ông đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm (1743-1752). Sách Đại Việt thông sử (còn gọi là "Lê triều thông sử") được ông làm trong giai đoạn này (Kỷ Tỵ, 1749). Năm 1752, ông lại dự thi Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên nên kể như cả ba lần thi ông đều đỗ đầu.

Sau khi đỗ đại khoa, năm Quý Dậu (1753), Lê Quý Đôn được bổ làm Thị thư ở Viện Hàn lâm, rồi sung làm Toản tu quốc sử vào mùa xuân năm Giáp Tuất (1754).

Năm Bính Tý (1756), ông được cử đi thanh tra ở trấn Sơn Nam, phát giác "6, 7 viên quan ăn hối lộ". Tháng 5 năm đó, ông được biệt phái sang phủ Chúa coi việc quân sự (chức Tri Binh phiên). Ba tháng sau, ông được cử đi hiệp đồng các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa... rồi đem quân đi đánh quân của Hoàng Công Chất.

Năm Đinh Sửu (1757), ông được thăng làm Hàn lâm viện Thị giảng. Trong năm này ông viết Quần thư khảo biện.

Năm Kỷ Mão (1759), vua Lê Ý Tông mất, triều đình cử ông làm Phó sứ, tước Dĩnh Thành bá, để cùng với Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Chú cầm đầu phái đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc) báo tang và nộp cống (1760).

Trở về nước (Nhâm Ngọ, 1762), ông được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các để duyệt kỹ sách vở, Ngô Thì Sĩ giữ chức Chính tự.

Năm Quý Mùi (1763), ông viết Bắc sứ thông lục. Trong khoảng thời gian 10 năm (1763-1772), Lê Quý Đôn nhiều lần được cử coi thi Hội.

Năm Giáp Thân (1764), ông dâng sớ xin thiết lập pháp chế, vì thấy một số quan lại lúc bấy giờ "đã quá lạm dụng quyền hành, giày xéo lên pháp luật", nhưng không được chúa nghe. Cũng trong năm đó, ông được cử làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi đổi làm Tham chính xứ Hải Dương (Ất Dậu, 1765), song ông dâng sớ không nhận chức và xin về hưu.

Đầu năm Đinh Hợi (1767), chúa Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Nghe theo lời tâu của Nguyễn Bá Lân, chúa cho triệu Lê Quý Đôn về triều, phong làm chức Thị thư, tham gia biên tập quốc sử, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, lên vua Lê Hiển Tông đọc. Tháng 9 năm đó, ông được cử làm Tán lý quân vụ trong đội quân của Nguyễn Phan (tước Phan Phái hầu) đi dẹp cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật ở Thanh Hóa. Năm Mậu Tý (1768), ông làm xong bộ Toàn Việt thi lục, dâng lên chúa Trịnh. Năm Kỷ Sửu (1769), ông dâng khải xin lập đồn điền khẩn hoang ở Thanh Hóa.

Năm Canh Dần (1770), bàn đến công lao đánh dẹp, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Hộ kiêm Thiêm đô Ngự sử. Mùa thu năm ấy, ông và Đoàn Nguyễn Thục nhận lệnh đi khám duyệt hộ khẩu ở xứ Thanh Hóa. Xong việc trở về, ông tâu xin tha bớt các thuế thổ sản, thủy sản cho các huyện và thuế thân còn thiếu. Chúa Trịnh liền giao cho triều đình bàn và thi hành. Ít lâu sau, ông được thăng Tả thị lang bộ Lại.

Năm Nhâm Thìn (1772), ông được cử đi điều tra về tình hình thống khổ của nhân dân và những việc nhũng lạm của quan lại ở Lạng Sơn.

Năm Quý Tỵ (1773) đại hạn, nhân đó ông tâu trình 5 điều, đại lược nói: "Phương pháp của cổ nhân đem lại khí hòa, dẹp tai biến, cốt lấy lễ mà cầu phúc của thần, lấy đức mà khoan sức dân". Chúa nghe theo, bổ ông làm Bồi tụng (Phó Tể tướng), giữ việc dân chính, kiêm quản cơ Hữu hùng, tước Dĩnh Thành hầu. Trong năm này, ông viết Vân đài loại ngữ.

Tháng 5 năm 1773, chúa Trịnh Sâm hạ lệnh cho Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh và Lê Quý Đôn làm lại sổ hộ tịch.

Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1774), chúa Trịnh Sâm thân chinh mang quân đánh Thuận Hóa, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Lưu thủ ở Thăng Long.

Đầu năm Ất Mùi (1775), tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm được Thuận Hóa. Tháng 2 năm đó, chúa Trịnh trở về kinh, rồi thăng ông làm Tả thị lang bộ Lại kiêm Tổng tài Quốc sử quán.

Cũng trong năm đó xảy ra vụ Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn) đổi quyển thi với Đinh Thì Trung. Bị phát giác, cả hai đều bị tội. Vì là đại thần, Lê Quý Đôn được miễn nghị.

Năm Bính Thân (1776), chúa Trịnh Sâm đặt ty trấn phủ ở Thuận Hóa. Lê Quý Đôn được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ để cùng với Đốc suất kiêm Trấn phủ Bùi Thế Đạt tìm cách chống lại quân Tây Sơn. Tại đây, ông soạn bộ Phủ biên tạp lục. Ít lâu sau, ông được triệu về làm Thị lang bộ Hộ kiêm chức Đô ngự sử. Năm Mậu Tuất (1778), ông được cử giữ chức Hành tham tụng, nhưng ông từ chối và xin đổi sang võ ban. Chúa Trịnh chấp thuận, cho ông làm Tả hiệu điểm, quyền Phủ sự (quyền như Tể tướng, tạm coi việc phủ chúa), tước Nghĩa Phái hầu. Tháng 4 năm đó, Lê Thế Toại dâng bài khải công kích Lê Quý Đôn. Năm sau (1779), ông lại bị Hoàng Văn Đồng tố cáo, nên bị giáng chức.

Năm Tân Sửu (1781), ông lại được giữ chức Tổng tài Quốc sử quán.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm qua đời, Trịnh Cán được nối ngôi chúa. Chỉ vài tháng sau, quân tam phủ nổi loạn giết chết Quận Huy (Hoàng Đình Bảo), phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Sâm, mẹ Trịnh Cán), lập Trịnh Khải làm chúa. Nhớ lại niềm riêng, Nguyễn Khản nói với chúa Trịnh Khải giáng chức Lê Quý Đôn.

Đầu năm Quý Mão (1783), ông nhận lệnh đi làm Hiệp trấn xứ Nghệ An. Ít lâu sau, ông được triệu về triều làm Thượng thư bộ Công.

Trong bối cảnh kiêu binh gây rối, triều chính rối ren, nhân dân đói khổ,... Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để chữa trị, nhưng không khỏi. Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11/06/1784), lúc 58 tuổi.

 

  • Các tác phẩm:
  • Các sách bàn giảng về kinh, truyện:
  • Dịch kinh phu thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch), gồm 6 quyển.
  • Thư kinh diễn nghĩa (Giảng nghĩa Kinh Thư), gồm 3 quyển, đã được khắc in, có tựa của tác giả đề năm 1772.
  • Xuân thu lược luận (Bàn tóm lược về Kinh Xuân Thu).
  • Các sách khảo cứu về cổ thư:
  • Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), gồm 4 quyển, đã khắc in, có tựa của tác giả (đề năm 1757), của Chu Bội Liên (người nhà Thanh) và của Hồng Hải Hi (sứ Triều Tiên đề năm 1761).
  • Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), gồm 12 quyển, có tựa của Chu Bội Liên và Hồng Khải Hi đề năm 1761.
  • Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở nơi đọc sách), gồm 4 quyển, viết năm 1773. Sách chia làm 9 mục, mỗi mục lại chia làm nhiều điều. Trong mỗi mục, tác giả trích dẫn các sách Trung Hoa (cổ thư, ngoại thư) nhiều quyển hiếm có, rồi lấy ý riêng của mình mà bàn.
  • Các sách sưu tập thi văn:
  • Toàn Việt thi lục (Chép đủ thơ nước Việt), gồm 20 quyển (theo Phan Huy Chú), nhưng hiện còn 15 quyển. Sách do ông phụng chỉ biên tập, dâng lên vua Lê Hiển Tông xem năm 1768. Trong sách sưu tập thơ của các thi gia Việt Nam từ đời Lý đến đời Hậu Lê... Đây là một quyển sách quý để khảo cứu về tiểu sử và tác phẩm của các thi gia.
  • Hoàng Việt văn hải (Bể văn ở nước Việt của nhà vua), là sách sưu tập các bài văn hay.
  • Các sách khảo về sử ký địa lý:
  • Đại Việt thông sử (còn gọi là "Lê triều thông sử"), gồm 30 quyển (theo Phan Huy Chú), viết năm 1749. Đây là bộ sử được viết theo thể kỷ truyện (chỉ có phần Bản kỷ là chép theo lối biên niên) chép từ thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Cung Hoàng (theo Phàm lệ của tác giả). Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn truyền lại mấy phần là:
  • Đế kỷ (2 quyển), chép từ năm Lê Lợi khởi nghĩa (1418) đến năm ông mất (1433).
  • Nghệ văn chí (1 quyển), chép về sách vở văn chương.
  • Liệt truyện (11 quyển), chép về các Hậu phi, Hoàng tử, Danh thần (đời vua Lê Thái Tổ) và Nghịch thần (từ cuối đời nhà Trần đến nhà Mạc).
  • Đại Việt sử ký tục biên (Nguyễn Hoàn‎, ‎Lê Quý Đôn‎, ‎Vũ Miên‎ hợp soạn).
  • Bắc sứ thông lục (Chép đủ việc khi đi sứ sang Trung Quốc), 4 quyển, làm năm 1763. Trong sách ghi chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, chuyện trò, đối ứng trong khi đi sứ (1760-1762).
  • Phủ biên tạp lục (chép lẫn lộn về chính trị cõi biên thùy), gồm 6 quyển, làm khi tác giả được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa (1776). Trong sách biên chép khá tường tận xã hội xứ Đàng Trong (nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam) ở thế kỷ 18.
  • Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều thấy nghe), gồm 12 quyển, có tựa của tác giả đề năm 1777. Đây là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Trong sách, tác giả đã đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...
  • Âm chất văn chú, gồm 2 quyển, đã khắc in, chép các bài huấn chú của các nhà ở Trung Quốc, có kèm theo lời đính chính của tác giả.
  • Lịch đại danh thần ngôn hành lục, gồm 2 quyển, chép công việc của các danh thần các triều.
  • Thơ văn:
  • Liên châu thi tập, gồm 4 quyển, chép thơ của Lê Quý Đôn cùng các thi gia khác, và những bài trả lời của các thi sĩ nhà Thanh và Cao Ly làm khi ông đi sứ sang Trung Quốc.
  • Quế Đường thi tập (Tập thơ Quế Đường), gồm 4 quyển
  • Quế Đường văn tập (tập văn Quế Đường), gồm 3 quyển.
  • Về văn Nôm, hiện nay chỉ còn:
  • Bài thơ thất ngôn bát cú "Rắn đầu biếng học".
  • Bài kinh nghĩa: "Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử" (Mày về nhà chồng phải kính răn, chớ trái ý chồng).
  • Bài văn sách hỏi về câu "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công tô điểm má hồng răn đen".
  • Bài kinh nghĩa: "Mẹ ơi con muốn lấy chồng".
  • Bài "khải" viết bằng văn xuôi chép trong Bắc sứ thông lục.

ĐẠI VIỆT THÔNG SỬ

Ấn phẩm “Đại Việt Thông Sử” của tác giả Lê Quý Đôn được dịch giả Lê mạnh Liêu dịch sang chữ Quốc ngữ, sách do nhà xuất bản Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa ấn hành năm 1973. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, sách còn nguyên bìa gáy, lõi sách rất đẹp, có nguyên văn chữ Hán phục vụ cho công việc nghiên cứu văn bản gốc. CÁC LỆ CHÉP THÔNG SỬ NÀY  1. Nay soạn bộ Sử này, chép tự thời vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế, cho đến hết thời vua Cung Hoàng, làm Bản Kỷ, làm...

PHỦ BIÊN TẠP LỤC

Ấn phẩm "Phủ biên tạp lục" của tác giả Lê Quý Đôn, sách do dịch giả Lê Xuân Giáo phiên dịch và chú giải, được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa ấn hành năm 1973. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách đẹp nguyên bìa gáy, ruột đủ trang. Sách gồm bộ cuốn: Cuốn 1 dày 600 trang, cuốn 2 dày 900 trang, có nguyên văn chữ Hán phía sau phục vụ cho công việc nghiên cứu văn bản gốc.  “Phủ Biên tạp Lục” là cuốn sách do Lê Quý Đôn (1726-1784), một nhà bác học...
0972 873 962