Ấn phẩm "Lịch sử văn học Anh Quốc" do tác giả Đỗ Khánh Hoan biên soạn, sách được nhà xuất bản Sáng Tạo ấn hành năm 1969. Ấn phẩm đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, sách đủ bộ 2cuốn: cuốn 1 dày: 436 trang, cuốn 2 dày 477 trang, lõi sách chắc chắn.
Trải qua mười lăm năm thế kỷ, dường như luôn luôn có hai nhân tố khăng khít quyện vào nhau để tạo thành phẩm chất văn chương Anh, xây cao lâu đài văn học Anh. Đó là lòng yêu sự thật và cái đẹp; đó là tình yêu đất nước và con người. Ngoài ra còn hai sắc thái phụ đã điểm tô cho lâu đài văn học ấy là khả năng tiếp thụ mà không nô lệ và ý chí muốn tạo một truyền thống cho tương lai Hiển nhiên, nhân tố thứ nhất là nhân tố cơ bản đã thúc đẩy con người sáng tạo, nhất là ở địa hạt văn chương. Và nhân tố thứ hai, phát xuất từ bản chất của nòi giống, đã là điều kiện cần yếu để tạo thành bản sắc cho một dân tộc.
Văn học Anh phát triển theo chiều hướng biết thụ nhận và biết truyền đạt. Thụ nhận ở đây, không hề có ý nghĩa là mô phỏng mà là biến chế; và truyền đạt, cũng ở đây, là biểu lộ cái ý chí muốn duy trì nếp sống đồng thời muốn đánh dấu sự hiện hữu của mình. Duy trì bản sắc là sự tự nhiên, nhưng vay mượn của người cũng chưa phải là điều hiếm thấy từ xưa đến nay vì, sự vay mượn lẫn nhau trong văn chương vẫn là truyện thông thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là vay mượn mà biết sinh lời, biết tạo vốn riêng. Văn gia, thi sĩ Anh là những người đã tạo được nhiều thành quả rõ ràng về phương diện đó.